Nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc, tăng gấp 8 lần chỉ trong 8 năm, đạt giá trị kinh tế 100 tỷ USD. Sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng kết hợp với sự sẵn sàng về AI đã giúp Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam dự báo có thể đạt được lợi ích kinh tế lên tới 835 tỷ USD vào năm 2030.
Với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỷ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% tổng dân số cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua Chiến lược quốc gia về AI, đại diện tập đoàn công nghệ nhận định: Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội từ AI mang lại.
Ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức đáng kinh ngạc 220 tỷ USD, tương đương gần 1/2 GDP hiện tại của Việt Nam. AI là một trong những yếu tố then chốt để hiện thực hóa dự báo trên”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang đầu tư vào các giải pháp, sản phẩm sáng tạo sử dụng AI, nhận được nhiều lợi ích từ AI. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), dù đã nhận thức được lợi ích của AI nhưng do thiếu nhiều nguồn lực, chỉ có rất ít doanh nghiệp sẵn sàng chuẩn bị để triển khai AI cũng như các công nghệ mới.
Một trong những nguồn lực đang thiếu hụt nghiêm trọng là chuyên gia AI. Ước tính chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI trong nguồn nhân lực.
Báo cáo từ TopDev - một nền tảng việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ ra khoảng cách đáng kể giữa trình độ kỹ năng hiện có và yêu cầu thị trường đối với việc làm công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực AI. Ngoài việc khan hiếm nhân lực, việc thiếu hụt cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo AI chất lượng cao càng làm nới rộng khoảng cách giữa nhu cầu của thị trường và sự đáp ứng nguồn nhân lực.
Trước thực trạng trên, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã phối hợp với Google tổ chức chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” tập trung vào hai trụ cột chính là kiến tạo cho nhân tài và kiến tạo cho doanh nghiệp nhằm giải quyết các thách thức trên cũng như củng cố nền tảng để tối đa hóa việc áp dụng AI.
Trong đó, đáng chú ý, với sự hỗ trợ từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp AI tiềm năng của Việt Nam được hỗ trợ phát triển, thương mại hóa và mở rộng sản phẩm AI của mình sang các thị trường mới, thông qua việc kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia AI hàng đầu và công nghệ tiên tiến nhất của Google. Cùng với đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp được tạo điều kiện để nhanh chóng chế tạo mẫu thử (prototyping) và thương mại hóa các ứng dụng AI.
Đại diện Google nhấn mạnh, đây là bệ phóng vững chắc hỗ trợ các nhân tài, startup và doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa các sản phẩm và giải pháp AI tốt nhất.
Bên cạnh sáng kiến hỗ trợ đào tạo nhân lực và phát triển các sản phẩm, ứng dụng AI, để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp MSME đẩy mạnh triển khai AI trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các chuyên gia khuyến nghị cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ có một “bước nhảy số” thông qua các mô hình mới về hỗ trợ kỹ thuật và các hoạt động tương tác giúp doanh nghiệp tận dụng AI để khai thác những cơ hội mới.
Đồng thời, tổ chức chương trình đào tạo về AI quy mô lớn hơn với hợp tác giữa các cơ quan chức năng có liên quan, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ. Ngoài nguồn lực về con người, đào tạo, cần xem xét đến việc hỗ trợ doanh nghiệp MSME cải thiện khả năng tiếp cận vốn thông qua chương trình tài trợ và cho vay lãi suất thấp.