Dệt may “hồi sức”

Trong 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 6.7%, ước đạt 10,42 tỷ USD. Nguồn: Innovative Hub

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ 3 thế giới trong xuất khẩu dệt may. Tín hiệu về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp và nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dù chưa thật sự rõ ràng nhưng đã khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2024. Điều này báo hiệu triển vọng cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2024.

Qua cơn bĩ cực

Chỉ hơn 1 năm về trước, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái (tỉnh Thái Bình) chuyên xuất khẩu mặt hàng đi các nước Châu Âu, Mỹ…rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Một doanh nghiệp may mặc “tầm cỡ” với trên 2.000 công nhân phải hoạt động cầm chừng do thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng đơn hàng đã khá dồi dào, công nhân “làm không hết việc” để kịp những đơn hàng đến quý III/2024.

Ông Đặng Việt Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty May Việt Thái cho biết, công ty hiện có 2.500 cán bộ công nhân viên, trong đó có khoảng 2.000 công nhân trực tiếp sản xuất. Năm 2023 là một năm rất khó khăn đối với ngành may mặc của Việt Nam, trong đó có Công ty may Việt Thái. Năm 2023 rất ít nên không có đủ hàng cho sản xuất. Bên cạnh đó, công ty cũng gặp khó khăn về giá trị đơn hàng. Khi giá trị đơn hàng giảm sút thì doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm. Tuy nhiên, từ năm 2024 đến nay, tình trạng thiếu hụt đơn hàng cũng được khắc phục. Số lượng đơn hàng đã dồi dào, có đủ để sản xuất. Hiện tại, doanh nghiệp đã có những đơn hàng đến hết tháng 9 và tháng 10/2024.

“Xác định năm 2024 còn nhiều khó khăn, giá trị đơn hàng không được tốt so với mặt bằng từ trước năm 2023, song cán bộ, công nhân viên công ty sẽ quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, đạt được những mục tiêu trung hạn và dài hạn. Năm 2024 sẽ quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng doanh thu theo kế hoạch đề ra”, ông Long cho biết thêm.

Là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu Việt Nam, Công ty CP May Sông Hồng hiện có hơn 20 xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung trong phạm vi tỉnh Nam Định.

Những năm qua, doanh nghiệp này đã liên tục mở rộng quy mô ở hai mảng kinh doanh chính là sản xuất hàng dệt may cho các tập đoàn nước ngoài theo các hình thức CMT (may gia công), FOB (tự chủ nguyên liệu) và sản xuất chăn ga gối đệm cho thị trường trong nước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 mà Công ty CP May Sông Hồng vừa công bố, doanh thu thuần của công ty đạt 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý 1/2024 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 45 tỷ đồng.

Như vậy, với mục tiêu năm 2024, doanh thu đạt 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023, trong quý 1/2024, công ty này đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Dệt may “hồi sức”

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP May Sông Hồng, tỉnh Nam Định.

Đến hồi thái lai

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc bởi, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng.

Quý I/2024, kim ngạch xuất toàn ngành dệt may đạt trên 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ và đây là tín hiệu vui cho ngành dệt may vì đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đã đề ra năm 2024 là xuất khẩu tăng 9% so với năm 2023, ngành dệt may cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Các doanh nghiệp dệt may đã chủ động dồn sức mở rộng đầu tư, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo đại diện Công ty CP May Sông Hồng, cuối tháng 11/2023, Công ty CP May Sông Hồng đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Sông Hồng - Xuân Trường 2 tại xã Xuân Hoà, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất của Sông Hồng và cũng thuộc loại lớn của ngành dệt may Việt Nam. Ngoài ra, phía công ty cũng đã chú trọng phát triển phương thức sản xuất FOB để tăng biên lợi nhuận và giảm phụ thuộc vào đơn hàng CMT.

Ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Sông Hồng cho biết, dự kiến khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2024, Nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, nâng tổng số lao động của công ty lên 15.000 người, đủ điều kiện để tạo ra khoảng 6500 - 7000 tỷ đồng doanh thu và trên 300 triệu USD xuất khẩu mỗi năm. Mở rộng và xây dựng thêm nhà máy là bước đầu tư của Sông Hồng để đón đầu sự phục hồi của thị trường vào trong những năm tới.

Còn theo ông Đặng Việt Long – Phó Tổng giám đốc Công ty May Việt Thái, hiện tại, để giảm phát thải carbon, công ty đã chuyển đổi toàn bộ việc sử dụng lò hơi than sang lò hơi điện. Bên cạnh đó, công ty cũng đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời và dự kiến trong vòng 1 tháng nữa sẽ đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, để quản lý số liệu cho toàn bộ công ty, phía công ty cũng đã áp dụng phần mềm quản lý chi tiết từ đầu vào, đầu ra của mặt hàng.