Thực tế, năm 2024 tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại đã tác động không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm của Việt Nam nói chung, Điện Biên nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên thì, với sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ của TƯ, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của HĐND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt, linh hoạt, và đồng bộ 7 nhiệm vụ trọng tâm và 9 nhóm giải pháp đã đề ra nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2024.
Xếp thứ 10/63 tỉnh thành cả nước
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm tỉnh Điện Biên cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7.155,29 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 8,75% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 10/63 tỉnh thành).
Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.203,14 tỷ đồng, tăng 1,72%; công nghiệp và xây dựng đạt 1.375,25 tỷ đồng, tăng 5,9%; khu vực dịch vụ đạt 4.253,67 tỷ đồng, tăng 12,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 323,24 tỷ đồng, tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước...
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 1,368,19 triệu lượt, tăng gấp 2,18 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 5,25% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 6.434 lượt, tăng 1,33 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 3,22% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.474,1 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với cùng kỳ năm 2023, vượt 12,5% so với kế hoạch. Số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày.
Cũng theo báo cáo, dự ước tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 71,36 triệu USD, tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,9% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 45,09 triệu USD, giảm 18,86% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51,24% so với kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 26,27 triệu USD, tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 62,56% kế hoạch năm...
Đáng chú ý, theo ông Phạm Đức Toàn, một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp Điện Biên đạt được những kết quả ấn tượng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm là tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV)...
Tính riêng 6 tháng đầu năm, tỉnh có 91 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 627 tỷ đồng, đạt 82,7% so với kế hoạch; 62 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký, thông báo hoạt động; 03 doanh nghiệp giải thể, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế toàn tỉnh hiện có 1.315 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 32.093 tỷ đồng và 716 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh có 19 HTX thành lập mới với tổng vốn điều lệ trên 48,85 tỷ đồng , đạt 40,6% so với kế hoạch năm. Luỹ kế toàn tỉnh hiện có 337 HTX với tổng số vốn 966,043 tỷ đồng. Có 640 hộ kinh doanh thành lập mới với tổng số vốn trên 108 tỷ đồng. Luỹ kế có 20.139 hộ kinh doanh với tổng số vốn 1.865 tỷ đồng.
“Từ việc tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém. Theo đó, xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh đạt kết quả rất tích cực, tăng 31 bậc so với năm 2022 và xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023, Điện Biên xếp thứ 20/63 tỉnh thành, tăng 2 bậc so với năm trước, là thứ hạng cao nhất của tỉnh từ trước tới nay”, ông Toàn dẫn chứng.
Cùng quan điểm trên, ở góc độ khác, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Điện Biên nhìn nhận, ngoài việc tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành giải quyết kịp thời các TTHC, đất đai, hỗ trợ GPMB, tháo gỡ những “nút thắt” cho các doanh nghiệp trong thực hiện các dự án đầu tư, tỉnh đã chủ động “trải thảm đỏ” mời gọi xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như Sun Group, Vin Group, Điện gió Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Danco, Tập đoàn TNG, Công ty CP đầu tư Đại An, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Agroup, Công ty CP Tập đoàn Đại Nam Sơn và một số Tập đoàn và công ty lớn trong và ngoài nước có tiềm năng đến tìm hiểu nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn của tỉnh.
Tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư thường kỳ Quý II, kịp thời tiếp thu các ý kiến đóng góp và nắm bắt vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện TTHC trên các ngành, lĩnh vực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
“Đến nay Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 07 dự án về lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ và nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện là 1.408,19 tỷ đồng, tăng 59,72% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế có 219 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 51.315,403 tỷ đồng (không bao gồm các dự án bị thu hồi), trong đó: có 124 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 95 dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký là 38.144,27 tỷ đồng...” ông Sông chia sẻ.
Trở ngại không làm khó
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của Điện Biên là điểm sáng vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhưng ông Phạm Đức Toàn cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chưa đạt so với kế hoạch, thấp hơn kịch bản dự kiến 1,39 điểm % (đã phê duyệt 10,14%)...
Bên cạnh đó, tình hình triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm; công tác đền bù, GPMB, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc. Tiến độ thực hiện một số dự án ngoài đầu tư công đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm, không đảm bảo theo hồ sơ dự án đã duyệt và cam kết của nhà đầu tư...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tại một số địa phương, đơn vị tại một số thời điểm chưa sâu sát, quyết liệt...Công tác triển khai thực hiện các dự án được cấp chủ trương đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn còn chậm, đặc biệt là các dự án đầu tư trồng mắc ca...
Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có nơi, có lúc còn chưa được nhịp nhàng, hiệu quả, khi gặp khó khăn vướng mắc chưa báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án, phối hợp GPMB. Năng lực thực hiện dự án của một số nhà đầu tư còn hạn chế...
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10,5% và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ông Phạm Đức Toàn yêu cầu các sở ban ngành, địa phương quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ 07 nhiệm vụ trọng tâm và 09 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra, trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện hồ sơ các phương án tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý III năm 2024.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Quy hoạch chung TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045; tiếp tục rà soát cập nhật điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới các xã trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Mặt khác, tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn có tiềm năng khảo sát, nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, Điện sinh khối, thủy điện,... Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; tập trung hoàn thiện thủ tục sớm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hỗn hợp huyện Mường Ảng. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành sản xuất để công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu...Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ và phát triển du lịch cộng đồng và sản phẩm du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, tập đoàn lớn triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... trên địa bàn...
Tiếp tục thực hiện đồng bộ quyết liệt có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
“Đồng thời, thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi; khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...Đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến toàn phần trong đăng ký doanh nghiệp; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến và nhận kết quả qua mạng đạt trên 90%. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao...Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công...”, ông Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.