Để đáp ứng yêu cầu của thị trường về phát triển bền vững, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những cách tiếp cận sáng tạo.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với DĐDN.
- Thưa ông, sự phát triển của nền kinh tế không thể thiếu vai trò của mỗi doanh nhân doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ những áp lực của doanh nghiệp khi bước vào kỷ nguyên mới?
Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều áp lực, thách thức: Bất ổn địa chính trị quốc tế, kinh tế quốc tế có nhiều khủng hoảng khó đoán định.
Mặc dù môi trường kinh doanh trong nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp dã được cải thiện rất nhiều song vẫn còn những hạn chế như thủ tục còn rườm ra, thời gian còn kéo dài... Tình trạng né tránh trong khi thi hành công vụ chưa được giải quyết căn cơ, khiến cho nhiều khó khăn của doanh nghiệp chưa được gỡ vướng.
Chủ trương của Đảng coi “kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, nhưng từ chủ trương đến hành động thực tiễn vẫn còn nhiều khoảng cách. Khối doanh nghiệp tư nhân đa phần vẫn còn nhỏ yếu, tự thân vận động.
- Với riêng doanh nghiệp ngành dệt may, theo ông, đâu là những điểm nghẽn cần tháo gỡ?
Ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là vải và sợi từ các thị trường như Trung Quốc. Điều này gây bất lợi trong bối cảnh các hiệp định thương mại yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng và tiêu chuẩn môi trường.
Sự thiếu hụt lao động chất lượng cao, đặc biệt ở các vị trí kỹ thuật và quản lý, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí năng lượng tăng nhanh làm giảm tính cạnh tranh của Dệt may Việt Nam so với các nước như Bangladesh...
- Để thúc đẩy doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, ông có đề xuất kiến nghị gì, thưa ông?
Để thúc đẩy doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, Chính phủ cần tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên liệu (bông, sợi, vải) trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời xây dựng các cụm công nghiệp dệt may với sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm đến may mặc.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sản xuất xanh và bền vững, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với lợi thế của Việt Nam về ngành dệt may, Nhà nước ở vai trò dẫn dắt, cùng với ngành dệt may Việt Nam phát triển thương hiệu quốc gia, như: tăng cường quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua các triển lãm, hội chợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương hiệu riêng thay vì chỉ gia công…
- Với lĩnh vực xuất khẩu trong thời gian tới, ông có nhận định như thế nào về thị trường Mỹ và những khuyến nghị của ông với doanh nghiệp may xuất khẩu của Việt Nam?
Năm 2024, thị trường dệt may đã khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là con số ấn tượng, bởi năm qua ngành dệt may đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của thị trường. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, đồng thời đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới (Trung Quốc Bangladesh, Việt Nam). Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn, như Mỹ, thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện tác động tốt đến ngành dệt may Việt Nam.
Trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của các đối tác nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.
Khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp cần kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất, sản xuất dệt may bền vững, quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tiến tới mô hình kinh doanh tuần hoàn. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc từ các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam, với mức độ ngày càng cao và khắt khe hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...