Ông Trương Vĩnh Khang - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững Viện Tiêu chuẩn Vương quốc Anh (BSI) cho biết, xu thế toàn cầu có nhiều biến động, khủng hoảng. Đi cùng với đó là những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn cao hơn của thị trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường, quản trị và xã hội. Do đó, tăng trưởng của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là đem lại lợi ích về giá trị kinh tế mà gắn liền với trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.
Phát triển bền vững đang trở thành xu thế của toàn cầu, ở đó sự phát triển của doanh nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại vừa không ảnh hưởng đến khả năng thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của chính họ. Yêu cầu này đang tạo ra thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho sản xuất kinh doanh một cách trách nhiệm.
Ông Trương Vĩnh Khang cho biết, từ năm 2015, một số mục tiêu cụ thể hơn đã được bổ sung cho các mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đã công bố trước đó. Đó là 17 mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đang theo đuổi thực hiện đến thời điểm hiện nay. Không chỉ các mục tiêu liên quan đến xã hội hay quản trị, sản xuất có trách nhiệm bao gồm cả mục tiêu về môi trường, đòi hỏi các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với môi trường thông qua sử dụng các tài nguyên như đất, nước hay năng lượng có hiệu quả.
Ở cấp độ doanh nghiệp, theo ông Trương Vĩnh Khang, thực hiện tiêu chuẩn ESG chính là cách tiếp cận gần hơn với phát triển bền vững để có những đóng góp thiết thực nhất hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu. Khi đề cập đến khái niệm E (môi trường), doanh nghiệp có thể hình dung các hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường, đa đạng sinh học, giảm ô nhiễm không khí, đất đai… Với khái niệm S (xã hội), doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn với người lao động hay với khái niệm G (quản trị) là những vấn đề liên quan đến giải quyết khủng hoảng, bảo mật thông tin…
Dẫn khảo sát do PwC thực hiện với các CEO trên toàn cầu, ông Trương Vĩnh Khang nhấn mạnh đến sự quan tâm ngày càng nhiều của CEO với phát triển bền vững. Theo đó, trong năm 2023 có 39% CEO được hỏi cho biết đã có định hướng, chương trình để thích ứng và chuyển đổi phát triển bền vững nhưng sang năm 2024, con số này đã tăng lên 45%.
Thực hành ESG, “hình ảnh của doanh nghiệp, tổ chức được đánh giá cao; duy trì và gia tăng năng lực cạnh tranh; đáp ứng yêu cầu của cổ đông, các nhà đầu tư cũng như góp phần cùng Chính phủ phát triển bền vững...” - ông Trương Vĩnh Khang nói.
Trong xu thế toàn cầu, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Từ năm 2016 đến nay, đầu tư cho phát triển bền vững ước tính đạt hơn 700 tỷ USD đã được đưa vào Việt Nam, đặc biệt, kể cả trong những năm dịch COVID - 19 thì nguồn đầu tư này cũng không bị gián đoạn. Trong thời gian tới, nguồn đầu tư này càng ngày càng tăng trưởng.
Những ngành nghề, lĩnh vực thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững, theo Trưởng bộ phận Phát triển bền vững BSI là bất động sản, tài chính, năng lượng, ngân hàng, bảo hiểm… Trong đó, chiếm phần nhiều (khoảng 65%) cho công nghệ hướng đến phát triển bền vững và sản xuất, chế biến.
Các doanh nghiệp phát triển bền vững đang hướng đến chuyển đổi xanh, giảm phát thải, tìm kiếm nguồn năng lượng mới, xanh và sạch, quan tâm đến vòng đời của sản phẩm, sử dụng nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường. Chuyển đổi số đang hỗ trợ rất lớn cho chuyển đổi xanh, góp phần cho tăng trưởng xanh. Các dòng đầu tư trên toàn cầu đang hướng đến xu hướng này.