Theo khảo sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đề cập tại báo cáo Chỉ số PCI và PGI năm 2023, bất chấp những khó khăn, tác động bất lợi của kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn gia tăng tuyển dụng lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Quỹ đạo tăng trưởng tích cực này cho thấy, doanh nghiệp FDI đang trên đà phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu và doanh nghiệp FDI định hướng thị trường trong nước đều giảm sút. Nguyên nhân được nhận định có thể đến từ bối cảnh thế giới cộng hưởng với các lực thị trường giảm sút. Xung đột căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới tiếp tục tạo đứt gãy thương mại toàn cầu, gây bất ổn lớn trên thị trường quốc tế. Đây là những yếu tố có thể làm thay đổi các chuỗi cung ứng và tăng chi phí, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhiệt kế doanh nghiệp theo địa phương cũng phản ánh thực trạng tương tự. Tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về triển vọng mở rộng kinh doanh năm 2023 cao nhất, với 47,6%. Tuy nhiên, ngay cả ở địa phương dẫn đầu này, mức độ lạc quan cũng thấp hơn năm trước. Mức độ lạc quan của doanh nghiệp FDI tại các địa phương lâu nay luôn là trung tâm công nghiệp như Bình Dương và TP Hồ Chí Minh lần lượt ở mức khiêm tốn 20,3 và 19,6%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh. Theo đánh giá chung, những năm qua, đã có nhiều chuyển động tích cực trong gánh nặng thực thi quy định cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng. Từ sau năm 2018, thời gian doanh nghiệp FDI phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm xuống nhưng trong hai năm 2022 và 2023, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% thời gian cho các thủ tục hành chính vẫn ở mức cao hơn so với trước đại dịch (năm 2018-2019), cho thấy các yêu cầu về quy định, thủ tục có sự thay đổi qua các năm.
Gánh nặng thanh tra và kiểm tra của doanh nghiệp FDI, đo lường bằng số doanh nghiệp báo cáo đã trải qua bốn cuộc thanh kiểm tra trở lên, giảm từ 21,92% năm 2013 xuống còn 6,61% vào năm 2023. Mức giảm đáng kể này phản ánh những cải thiện trong môi trường kinh doanh và thể chế ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu hầu như vẫn giữ nguyên kể từ năm 2013 đến nay cho thấy còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, phiền hà nhất vẫn là thủ tục hành chính lĩnh vực thuế và phòng cháy chữa cháy song tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá như trên đã giảm. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022; 13% doanh nghiệp FDI đánh giá phòng cháy là thủ tục phiền hà nhất so với 21% năm 2021.
Bảo hiểm xã hội cũng có sự cải thiện, giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023. Con số này phù hợp với xu hướng giảm phiền hà của thủ tục bảo hiểm xã hội ghi nhận tại báo cáo PCI năm ngoái (giảm từ 23% năm 2020).
Từ năm 2023 đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng của kinh tế Việt Nam và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đến từ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Để tận dụng những cơ hội này, theo khuyến cáo chính sách, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến thuế, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu và môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối các nhà đầu tư nước với các doanh nghiệp, đối tác trong nước; chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề…