Năm 2023, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều thua lỗ, đây được coi là bức tranh ảm đảm nhất từ trước đến nay đối với ngành hàng xuất khẩu tỷ USD. Bức tranh tuy có sáng sủa hơn vào tháng 4 này nhưng vẫn còn nhiều những khó khăn.
Đơn hàng “nhích” nhẹ
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất cá tra trong tháng 4 chỉ tăng nhẹ mức 13% đạt 168 triệu USD, trước đó tháng 2 và tháng 3 xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, trước bối cảnh toàn ngành xuất khẩu, áp lực tồn kho của doanh nghiệp cá tra đã giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, quý 1 năm nay, xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực nhưng nhu cầu tại các thị trường chính vẫn chưa phục hồi mạnh.
“Thị trường không thể hồi phục ngay lập tức, hay khởi sắc chỉ trong thời gian ngắn. Mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan của tình hình thế giới và cả nội tại doanh nghiệp. Theo tôi, nhìn vào giá bán ai cũng biết thị trường cá tra vẫn chưa thực sự khởi sắc đâu, chỉ mới đỡ hơn một chút thôi”, ông Văn nói.
Vì các thị trường chính như Trung Quốc chưa hồi phục mạnh mẽ nên doanh nghiệp buộc phải tìm cho mình những thị trường “ngách” khác nhằm bù đắp, đơn cử là các nước khu vực Nam Mỹ.
“Hiện đơn hàng cũng tương đối so với năm 2023 nhưng vẫn không phải tín hiệu quá lạc quan. Giá bán cũng còn khá thấp đặc biệt còn phải cạnh tranh với các dòng cá thịt trắng khác khi xuất khẩu”, lãnh đạo thuỷ sản Trường Giang cho hay.
Ghi nhận tại nhiều “ông lớn” ngành cá tra sẽ thấy tín hiệu không mấy khả quan. Tại “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn, trong quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 2.900 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 190 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 17,3%, về chỉ còn 9,3%.
Theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, nếu xét theo năm, từ năm 2009 tới năm 2023, chưa năm nào biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn về 9,3%, biên lợi nhuận gộp thấp nhất là năm 2013 với mức 11,85%; và nếu xét theo quý, giai đoạn từ quý II/2020 đến quý III/2023, biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn duy trì từ 10,56% đến 25,95% nhưng bất ngờ trong hai quý gần đây sụt giảm xuống dưới 10% (quý IV/2023 là 8,14% và quý I/2024 là 9,3%).
Lý giải lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong quý I mặc dù doanh thu tăng, Vĩnh Hoàn cho biết do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm.
Công ty CP Đầu tư và phát triển Đa quốc gia I.D.I cũng ghi nhận giảm 7,5% về doanh thu, còn 1.629 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thành phẩm cá tra và dịch vụ đạt lần lượt 643 tỷ đồng và 10,1 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt là 20% và 38%. Lãi ròng trong quý của doanh nghiệp cũng chỉ đạt 16,5 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ.
Cùng xu hướng, Công ty CP Nam Việt cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sâu 81% so với cùng kỳ còn 17 tỷ đồng trong quý I, mặc dù doanh thu chỉ giảm ở mức 12%.
Khó khăn hết quý 2
Theo phân tích của VASEP, mặc dù quý 1 năm nay xuất khẩu cá tra có những dấu hiệu tích cực tuy nhiên nhu cầu tại các thị trường chính chưa phục hồi mạnh. Dự báo tình hình sẽ chỉ tốt lên từ quý 3 và quý 4 kéo theo xu hướng giá sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất khoảng 10% so với giá hiện tại.
Trong bối cảnh các chi phí như nhân công, xăng dầu, logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, có được mức giá bán phù hợp để đáp ứng nhu cầu từng thị trường là điều cần thiết để ngành cá vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng dần giá bán trong thời gian tới của năm 2024.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nên cân nhắc giá xuất khẩu hợp lý và điều chỉnh tăng dần từ 5-10% từ nay cho đến quý 3 và quý 4.
Đồng thời, doanh nghiệp nên điều chỉnh sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường đảm bảo cung cầu hợp lý cho các mùa vụ tới, đồng thời thông tin đến khách hàng xu hướng nguyên liệu có thể thiếu vào giai đoạn cuối năm để định giá bán tăng dần đồng thời lưu ý những hợp đồng dài hạn.