Các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước để thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao.
Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường bán dẫn toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 588 tỷ USD vào cuối năm nay và có thể chạm mốc 990 tỷ USD vào năm 2030. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh khiến nhu cầu nhân sự và chuỗi cung ứng cũng phát triển theo.
WSTS cũng dự báo đến năm 2030 thị trường bán dẫn toàn cầu cần khoảng 1 triệu lao động cho các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi hệ sinh thái bán dẫn trong nước dự tính cần tối thiểu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Đào tạo nhân lực được xác định là yếu tố bứt phá cạnh tranh của Việt Nam trong ngành công nghiệp đang có sức tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như nắm bắt cơ hội trở thành nhà cung cấp nhân lực chất lượng cao cho chuỗi giá trị ngành bán dẫn.
Hiện Việt Nam đang có 160 trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; trong đó có 35 cơ sở đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn, doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm chế biến, chế tạo vi mạch bán dẫn, sinh học, vật liệu mới…
Bên cạnh những thuận lợi trên, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết thêm: nhiều thể chế, chính sách vượt trội dành cho ngành công nghiệp bán dẫn được ban hành tại các Nghị quyết đặc thù dành cho một số thành phố lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay tại Luật Thủ đô (sửa đổi). Chính phủ đã hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện, nước - những yếu tố quan trọng phát triển ngành công nghiệp này…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Yên - CEO công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam đánh giá, việc chúng ta thu hút thành công nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trên thế giới bởi mục đích quan trọng nhất là tận dụng lực lượng lao động của Việt Nam. Hiện, dân số thế giới ngày càng già hóa trong khi nhu cầu nhân lực bán dẫn toàn cầu lớn đang tạo ra cơ hội để Việt Nam bứt phá trong bức tranh bán dẫn chung.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng chung nhận định, cơ hội này chỉ dành cho chúng ta khoảng thời gian tối đa là 3 năm. Nếu Việt Nam tận dụng kịp thời để khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp công nghệ cao, dường như chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn này.
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, việc thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Ngoài những thuận lợi trên, việc đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn có ba thách thức lớn.
Thứ nhất, đào tạo nhân lực cho một ngành công nghiệp công nghệ cao với số lượng lớn.
Thứ hai, phải đào tạo nhanh bởi như đã nói, cơ hội dành cho chúng ta chỉ tối đa khoảng 3 năm.
Thứ ba, là ngành có mức độ tập trung lớn nhưng bán dẫn không phải là cuộc chơi của một quốc gia mà mang tính toàn cầu hóa. Việc đào tạo nhân lực cần hướng đến theo chuẩn quốc tế để nhân lực không chỉ làm việc tại Việt Nam mà còn có thể làm việc ở nước ngoài.
Vì vậy, chương trình đào tạo không chỉ giới hạn theo cách thức truyền thống là đào tạo dài hạn, đào tạo sau đại học mà cần đào tạo nhanh, đào tạo ngắn hạn trình độ cao (đào tạo tiếp nối, có trình độ các ngành lân cận, cho người đang học, đào tạo phổ rộng, chương trình 18 tháng, hoặc 2 năm, chương trình bồi dưỡng 1 năm cấp chứng chỉ…). Quan trọng nhất phải theo chuẩn quốc tế để các đối tác trong và ngoài nước có thể chấp nhận.
Đây là hướng đi đang được các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp, viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước thực hiện trong việc đào tạo nhân lực bán dẫn. Một số khoá đào tạo tuy ngắn hạn nhưng được chuyên gia đánh giá cao bởi trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Xu hướng đào tạo này cần tiếp tục thúc đẩy mạnh hơn trong thời gian tới nhằm tạo ra đột phá. Bên cạnh đó các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành bán dẫn, Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn…; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế đặc thù thu hút nhân tài khoa học công nghệ trong khu vực công nghiệp, từ nước ngoài về cộng tác, giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...