Phù điêu Kala là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá thuộc nền văn hóa Champa, được phát hiện vào năm 1993, trong hố khai quật di tích Núi Bà, thôn Mỹ Thạnh, xã Hòa Phong, H.Tây Hòa (Phú Yên).
Bức phù điêu được chế tác từ đá Túp Riôlit Đaxit cao 60 cm, rộng đế 44 cm, dày đế 17 cm, dày đỉnh 11 cm, nặng 105,5 kg.
Phù điêu Kala được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt trước của khối đá thể hiện khuôn mặt Kala nhìn thẳng về phía trước. Kala có miệng rộng, 88 răng chạm nổi to, dài thò ra ngoài, trong đó gồm 2 răng nanh và 6 răng cửa, 2 răng nanh ở hai bên dài và nhọn hơn. Môi trên cong, râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng.
Hai bên miệng Kala, mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên, mũi to nhưng đã bị vỡ, sống mũi ngắn và dày. Hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc, trán dô, trên trán có chuỗi hạt hình tròn, bờm dày tạo thành 4 lớp. Mặt phía sau để trống, có dấu tích nhiều vết đục nhằm tạo phẳng bề mặt.
Sau khi được phát hiện, phù điêu Kala được đưa về bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên. Từ các kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định hiện vật phù điêu Kala có niên đại vào thế kỷ 14, thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm (hay còn gọi là phong cách Bình Định).