Ngành chế biến chế tạo của Việt Nam có vị thế nhất định trên trường thế giới.
Tuy nhiên, trong “giá trị đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng và công nghiệp chế biến chế tạo nói chung vẫn đang ở vùng “đáy” của đường cong, tập trung vào phần sản xuất và chưa tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn như logistics thu mua, logistics phân phối…
Bên cạnh đó, tính kết nối của doanh nghiệp nội địa Việt Nam với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả. Nhiều chính sách của Chính phủ vẫn chưa đi sâu vào với doanh nghiệp. Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng, bởi những yếu tố như khung pháp lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp điện tử, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.
Cụ thể, một số lợi thế đang trở thành thách thức như: nguồn lao động không còn dồi dào; tác động từ các Hiệp định thương mại thương mại tự do thế hệ mới gây sức ép về sản xuất xanh, sạch; các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU ngày càng gia tăng các quy định khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp. Xu hướng toàn cầu chuyển đổi xanh, sạch là cơ hội cho các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi chưa đủ nguồn lực…
Vì vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc. Đồng thời, có điều kiện cơ bản để FDI lan toả, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những mắt xích then chốt hơn. Còn doanh nghiệp, luôn cần tận dụng tối đa các cơ hội, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, dự án quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...