Trà Việt định vị như thế nào để phát triển bên cạnh trà đạo Nhật Bản đầy nghi thức hay trà Trung Quốc được huyền thoại hóa bởi những câu chuyện kể ly kỳ hấp dẫn kèm những thương hiệu trà nổi tiếng.
Ông Phạm Vũ Khánh, chủ tịch công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc Shanam, cho biết tại Tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế - du lịch” tại TPHCM: “Việt Nam chiếm 2/3 diện tích trà Shan của toàn thế giới. Vùng nguyên liệu dồi dào này chính là một vũ khí mạnh để trà Việt cạnh tranh với trà thế giới, như Trung Quốc hay Đài Loan”.
Tuy vậy, tiến sĩ Hà Thanh Vân lại đặt ra một vấn đề, nếu như muốn phát triển kinh tế - du lịch thì Trà Việt cần phải được định vị (về mặt tiếp thị) trên bản đồ thế giới.
Bà hỏi: “Chúng ta có sánh được với trà đạo của Nhật Bản nặng về nghi thức hay không? Chúng ta có sánh được với trà Trung Quốc nặng về biểu diễn và được huyền thoại hóa bởi những câu chuyện kể ly kỳ hấp dẫn bên cạnh những thương hiệu trà nổi tiếng hay không? Chúng ta có sánh được với trà bơ đặc biệt của Tây Tạng cung cấp rất nhiều nhiệt lượng giữa trời lạnh giá hay không? Thế thì trà Việt Nam định vị như thế nào để phát triển?”.
Bà cho rằng, thay vì cứ cố nâng tầm trà Việt lên cao cấp như nhiều doanh nghiệp trà đang làm thì hãy trả trà Việt về bản tính vốn có của mình, đó là một thức uống phổ thông. Bà lưu ý, mặc dù dân gian ta có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng thực tế khách đến nhà là pha trà đầu tiên, bất kể sang hèn. Đó là một nét văn hóa độc đáo của người Việt mà các cường quốc trà như Trung Quốc hay Nhật Bản đều không thế.
Thành thử, bà đề xuất hãy định vị trà Việt là một “Thức uống để giao tiếp” cho đại chúng. Các nhà làm trà hãy sản xuất trà phong phú, đa dạng thể loại và đủ mọi mức giá để mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể dùng được. Định vị này sẽ thuận lợi hơn để quảng bá trà Việt Nam ra thế giới.
Định vị là một câu hỏi mà các nhà sáng lập Shanam cũng trăn trở đi tìm suốt nhiều năm. Họ đặt chân đến đủ các hội chợ trà lớn nhất thế giới, tham dự nhiều cuộc thi trà lớn thế giới để tìm xem giá trị trà Shan cổ thụ Việt đang nằm ở đâu.
Bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Shanam, tự hỏi: “Trà của Trung Quốc rất đắt, thậm chí là không hợp khẩu vị với người Việt Nam. Vậy mà tại sao ai đi du lịch Trung Quốc cũng bỏ ra vài triệu đến cả trăm triệu để mua trà?”.
Câu trả lời là, người ta không chỉ là mua cái sản phẩm trà, mà là mua câu chuyện trà, mua văn hóa, mua sự tự hào về trà của người Trung Quốc. Vậy sự tự hào của trà Việt ở đâu?
Bà Thắm kể, thời ban đầu, Shanam chuyên xuất khẩu nguyên liệu, mỗi năm xuất cả ngàn tấn. Trà nguyên liệu được nước ngoài mua về chế biến và thành thương hiệu ngoại, trong khi đó những người trồng trà Việt Nam vẫn nằm trong diện xóa đói giảm nghèo.
Thế là Shanam quyết định dừng lại, chuyển sang làm trà đặc sản mang thương hiệu của mình. Mỗi lần gửi đi dự thi trà, Shanam luôn nằm trong tốp 3 cao nhất.
Có tiếng như vậy, được công nhận như vậy, thế nhưng Shanam lại… chưa xuất khẩu. Chủ tịch công ty chưa cho phép xuất khẩu, bất chấp các tỷ phú, đối tác Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc sang đặt vấn đề. Ông Khánh quan điểm rằng, trà Shan là thứ tinh túy của Việt Nam, người Việt Nam mình xứng đáng dùng trước. Nếu một sản phẩm Việt tốt, xuất khẩu tốt, nước ngoài dùng nhiều nhưng người Việt lại không biết đến thì đó không phải là sự tự hào.
Đối với các nhà sáng lập Shanam, trà không đơn thuần là một sản phẩm ẩm thực, mà là một “văn hóa”. Họ đã bỏ ra 2 năm để trả lời câu hỏi “văn hóa trà Việt là gì”. Cuối cùng họ chọn câu trả lời là văn hóa trà Việt là những gì bình dị, quen thuộc đã diễn ra lặp đi lặp lại hàng bao đời nay của người Việt, ai cũng biết nhưng không gọi tên ra.
Bình dị, phổ thông, phải chăng đó là định vị của trà Việt để vươn ra cạnh tranh với thế giới?
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...