Khi vào bệnh viện điều trị, người bệnh được lấy ổ mủ loét giác mạc và phát hiện nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
Khoa Mắt, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) gần đây tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện điều trị với chẩn đoán loét giác mạc, mủ tiền phòng do nhiễm trực khuẩn mủ xanh mà nguyên nhân là do dị vật bắn vào mắt.
Như trường hợp của người bệnh nam 58 tuổi (trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện với chẩn đoán mắt phải loét giác mạc, mủ tiền phòng.
Theo lời người bệnh, cách vào viện khoảng 1 tuần, người bệnh cắt sắt bằng máy, không rõ vật lạ gì bắn vào mắt. Sau tai nạn mắt đau nhức, cộm mắt và nhìn mờ ngày càng tăng nhưng người bệnh lại không điều trị gì.
Chỉ đến khi tình trạng mắt đau nhức tăng lên, có dịch mủ chảy và không thể mở được mắt, người bệnh mới đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để kiểm tra. Người bệnh được lấy mủ ổ loét giác mạc làm xét nghiệm cấy vi khuẩn mẫu mủ cho kết quả người bệnh nhiễm trực khuẩn mủ xanh…
Để phòng bệnh viêm loét giác mạc do trực khuẩn, cần thận trọng trong quá trình sinh hoạt và lao động, tránh chủ quan để xảy ra chấn thương ở mắt. Trang bị kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi ngoài đường.
Nếu không may bị cát bụi, hạt sạn, hạt thóc… bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, dụi mắt vì rất dễ dẫn đến xước và rách giác mạc. Cách xử trí đúng trong trường hợp có thể kiểm soát được (như chỉ bị hạt bụi bay vào mắt) là nên rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu tình hình không cải thiện hoặc khi bị dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để thăm khám và có phương án điều trị thích hợp.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...