Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc Phân hiệu Trường ĐH lâm nghiệp tại Đồng Nai, cho biết học phí của trường hiện nay chỉ thu ở mức sàn. Ngành thấp nhất chỉ 226.000 đồng/tín chỉ, cao nhất là 348.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên mỗi năm chỉ phải đóng 12-14 triệu đồng học phí. Như vậy tất cả chương trình ĐH chính quy hệ đại trà của trường đều mức có học phí dưới 15 triệu đồng/năm. Đây cũng là mức học phí dành cho sinh viên tại cơ sở chính ở Hà Nội.
Trong khi đó, học phí ngành kế toán, quản trị kinh doanh Trường ĐH Đồng Nai chỉ 8,4 triệu đồng/năm và ngôn ngữ Anh, kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử chỉ 9.650.000 đồng/năm. Có thể nói mức này thấp kỷ lục so với mặt bằng học phí hiện nay.
Tại Phân hiệu Trường ĐH Thủy Lợi ở TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó phòng Truyền thông và công tác sinh viên, thông tin dù nhà trường đã tăng học phí nhưng sinh viên vẫn chỉ đóng khoảng 12 triệu đồng/năm học.
"Các ngành có mức học phí thấp nhất trường và thấp hơn so với những trường công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập khác, là ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, chỉ 310.000 đồng/tính chỉ. Kế đến là kinh tế, kinh tế số, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 335.000 đồng/tín chỉ và kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng với 345.000 đồng/tín chỉ", tiến sĩ Sơn cho hay.
Còn đối với hệ đại trà khóa 2020 trở về sau tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, học phí của các ngành khoa học xã hội, kinh tế, nông lâm thủy sản cũng rất thấp, chỉ 312.000 đồng/tín chỉ, tương đương khoảng 12 triệu đồng/năm. Năm 2024, dự kiến nếu trường tăng thì học phí các ngành này là khoảng 13 triệu đồng/năm.
Tại Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, sinh viên ngành quản trị kinh doanh, bất động sản, kinh tế tài nguyên thiên nhiên đóng mức học phí thấp nhất trường, khoảng 14 triệu đồng/năm.