Theo đó, đề bài kiểm tra ngữ văn của Trường THCS Minh Đức (Q.1) đã sử dụng 2 văn bản:
Văn bản 1: Cuộc thi viết "Sống đẹp" do Báo Thanh Niên tổ chức như một điểm nhấn, một dòng chảy mát lành, tạo nhiều cảm xúc đẹp. Nội dung được chuyển tải nhiều nhất trong cuộc thi viết "Sống đẹp" là các gương mặt thiện nguyện, những người tự nguyện làm một nhịp cầu, dang tay với những mảnh đời bất hạnh, lao tới những miền khốn khó. Họ, trước hết là những người rất đỗi bình thường, thậm chí còn nhiều khiếm khuyết về cơ thể, như chị Nguyễn Thị Nhung, trưởng nhóm Thiện nguyện Hạc Giấy ( trong bài Người mang hạc giấy đi khắp muôn nơi của Liên Liên - Hà Nội), như cô Ba Đúa chèo đò ở Sóc Trăng (trong bài Đơn giản hóa nỗi đau của Bạch Dương - Sóc Trăng) như Quảng Đình Hậu ở Quảng Ngãi (trong bài Vòng xe của Hậu của Vũ Minh Huy - Quảng Ngãi)... Những việc làm của họ, xét theo khía cạnh nào đó lại là hết sức phi thường.
...Còn nhiều nữa, dường như cứ mỗi nhân vật là "bật mí" cho chúng ta một câu chuyện lạ kỳ, một cách sống đặc biệt, vượt lên mẫu số chung của thành công, là vẻ đẹp ấm áp của tâm hồn. Không có một định nghĩa chung là "Sống đẹp" cả, mà đơn giản nó xuất phát từ lòng trắc ẩn, đức hy sinh, tinh thần: "bầu ơi thương lấy bí cùng" mang tính truyền đời của dân tộc Việt. Sống đẹp, không phải là thứ đạo đức suông hay phô diễn làm màu, mà là dấn thân hành động, biến tất cả những cảm xúc, ý niệm thành những việc làm cụ thể, dù là nhỏ bé nhất.
(Trích nguồn: Sống là để cho đi, Nhà văn Trần Nhã Thụy, NXB Trẻ. Năm 2022)
Văn bản 2: Trong hàng trăm tác phẩm dự thi "Sống đẹp" mùa ba với chủ đề : "Trái tim yêu, bàn tay ấm", nhiều vô cùng như bài viết lay động, những câu chuyện giàu nghị lực của những người thiếu may mắn nhưng luôn chọn cách sống " Vươn về phía mặt trời". Đó là nhân vật Lê Thị Linh dù bị bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn tự học chữ, viết văn, làm thơ, xuất bản sách, tự học nghề làm hoa giấy, tranh giấy, thiệp giấy chia sẻ yêu thương đến với những phận đời kém may mắn khác; để biến "Từ không thể thành có thể" là anh Nguyễn Trung Hậu, một người luôn gắn nhãn "không thể", không thể đi lại như mọi người, không thể đi học, không thể mở công ty ... giờ đây, trên chiếc xe lăn, anh không chỉ là nhà sáng lập Ngồi Cafe, là chủ một trung tâm Anh ngữ, mà anh còn hỗ trợ giáo dục và sinh kế bền vững cho người khuyết tật. May mắn thay, những chân dung sống đẹp như những ngọn lửa bền bỉ tỏa sáng, như những bông hoa âm thầm tỏa hương sắc, lên tiếng cho cái đẹp và cho những giá trị sâu thẳm, vững bền.
... Có nhiều bạn trẻ bày tỏ những băn khoăn rằng sống đẹp vẫn bị hiểu lầm, sống đẹp cần được công nhận hay sống đẹp có phải là để đánh bóng bản thân? Hẳn đây cũng là thắc mắc của ít không người về hai chữ "Sống đẹp" trong xã hội đầy hoài nghi hiện nay. Nhà văn Anh Khang đã trả lời, nhìn hình ảnh logo "Sống đẹp" khiến anh liên tưởng đến hoa súng, hoa sen - loài hoa nở ra từ đầm lầy hay nói cách khác, sự tinh khiết nhất, thơm ngát nhất của hoa sen được kết tinh từ bùn nhơ. Và Anh Khang nhắn gửi các bạn trẻ rằng, nếu tâm ta là đóa hoa sen, đừng bận lòng đến bùn nhơ bên ngoài.
(Trích nguồn: Trái tim yêu, bàn tay ấm - Nguyễn Ngọc Toàn, Báo Thanh Niên, NXB Trẻ, Năm 2023).
Với 2 văn bản trích dẫn bài viết về cuộc thi "Sống đẹp" do Báo Thanh Niên tổ chức, đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức đọc hiểu mà còn khuyến khích học sinh thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình. Bằng đoạn văn từ 6 đến 8 câu, học sinh viết suy nghĩ trước ý kiến cho rằng: "Sống đẹp, không phải là thứ đạo đức suông hay phô diễn làm màu, mà là dấn thân hành động, biến tất cả những cảm xúc, ý niệm thành những việc làm cụ thể, dù là nhỏ bé nhất".
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra môn ngữ văn sáng nay, nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Minh Đức bày tỏ, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa và lại là những văn bản báo chí giúp các em có cảm giác thực tế và nhẹ nhàng hơn khi làm bài kiểm tra. Một văn bản đời sống không chỉ có tác dụng kiểm tra kiến thức kỹ năng môn ngữ văn mà thông qua việc đọc ngữ liệu để làm bài còn giúp học sinh biết về những nhân vật đã sống đẹp mà cuộc thi đề cập đến. Từ đó, học sinh có những thay đổi nhận thức và hành vi trong cuộc sống, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần sống đẹp cho bản thân và xã hội. Nhóm học sinh chia sẻ các em thích cách ra đề ngữ văn theo cách "đời và người như vậy".
Giúp học sinh thay đổi hành vi và nhận thức
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS Minh Đức, cho hay, với yêu cầu kiểm tra 3 kỹ năng (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp) trong phần đọc hiểu, người làm đề không được sử dụng nguồn dữ liệu từ sách giáo khoa hiện hành và các văn bản đã được các cơ quan truyền thông thẩm định là nguồn an toàn, đáng tin cậy nhất.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngữ liệu về cuộc thi "Sống đẹp" của Báo Thanh Niên là một hình thức chung tay lan tỏa những điều tốt đẹp đích thực của cuộc sống. Đó cũng là mục đích của giáo dục khi các thầy cô là người chăm sóc vẻ đẹp tâm hồn của cả một thế hệ.
"Mục đích của việc ra đề thi nhằm gắn kết các hoạt động tốt đẹp của xã hội với trường học. Bởi vì việc kiểm tra đánh giá học sinh không chỉ là kiến thức hàn lâm mà là những điều thực tế trong cuộc sống thông qua các kênh thông tin trên báo chí, truyền thông", cô Thanh Hiền bày tỏ.
Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Minh Đức nói thêm, chủ đề "Sống đẹp" luôn là thông điệp cần thiết cho mọi thế hệ dù già hay trẻ. Thế nhưng, có những con người, việc làm cụ thể đôi khi còn xa lạ với lứa tuổi học sinh. Việc kiểm tra đánh giá phần đọc hiểu bằng văn bản cụ thể về vấn đề này là một cơ hội giúp học sinh tư duy, phản biện và đưa ra nhận thức đúng.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết trong những buổi họp chuyên môn, nhà trường luôn định hướng các tổ chuyên môn, trong đó có tổ ngữ văn khi lựa chọn văn bản làm ngữ liệu phải mang tính chất nhân văn, có tính giáo dục, lay động trái tim, suy nghĩ của học sinh.
"Khi làm bài, ngoài việc kiểm tra học sinh thì học sinh cần có sự rung động trong tâm hồn chứ không phải là những văn bản 'lên gân lên cốt'. Đó là những nội dung khiến học sinh cảm nhận một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, từ đó giúp các em thay đổi hành vi và nhận thức trong quãng đời tiếp theo sau khi đọc và làm bài ngữ văn", cô Thúy An chia sẻ.