GS-TS Trần Diệp Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục y khoa VN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: "Hiện Bộ GD-ĐT có bộ tiêu chuẩn dùng chung để kiểm định tất cả các chương trình đào tạo, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn riêng đặc thù cho ngành y khoa. Việc kiểm định chất lượng chương trình giáo dục bác sĩ (BS) y khoa rất quan trọng, sẽ góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo, tiến tới đáp ứng được kiểm định quốc tế".
Theo GS-TS Tuấn, hiện nay, các nước trên thế giới sử dụng nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn của WFME (Liên đoàn Giáo dục y tế thế giới). Bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình giáo dục BS y khoa này được nhiều nước công nhận, trong đó có Mỹ. "Nhiều quốc gia trong khu vực cũng có trung tâm kiểm định được WFME công nhận nhưng rất tiếc VN ta chưa có. Nếu chúng ta xây dựng được bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo y khoa dựa vào bộ tiêu chuẩn của WFME, và thành lập trung tâm kiểm định được WFME công nhận thì các trường sẽ dựa vào đó để cải thiện chất lượng đào tạo và hướng đến hội nhập quốc tế", GS-TS Diệp Tuấn cho hay.
Tại hội thảo "Góp ý xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo BS y khoa" do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp Hội Giáo dục y học VN và Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, thạc sĩ Hồ Đắc Hải Miên, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TP.HCM), thông tin hiện nay trung tâm này đang trong lộ trình xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định riêng cho chương trình đào tạo y khoa, dựa trên bộ tiêu chuẩn của WFME.
Theo đó, sẽ có nhiều tiêu chí thuộc 8 tiêu chuẩn: sứ mạng và giá trị cốt lõi, chương trình đào tạo, lượng giá, sinh viên, đội ngũ học thuật, nguồn lực giáo dục, đảm bảo chất lượng, quản trị và hành chính, trên cơ sở phù hợp với bối cảnh VN.
GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho rằng việc công nhận văn bằng y khoa giữa các quốc gia trước hết cần có tính đồng đẳng, điều này đòi hỏi kiểm định chất lượng của VN phải ngang với các nước. "Vì vậy, để bằng BS y khoa của VN "mạnh" hơn và hội nhập quốc tế, thì việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn riêng là cần thiết. Tuy tiếp cận thế giới nhưng bộ tiêu chuẩn này phải tuân thủ luật và quy định hiện nay của VN", GS-TS Chương chia sẻ.
MỘT SỐ RÀO CẢN
"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau" là quan điểm mà GS-TS Trần Diệp Tuấn nói đến khi trả lời cho câu hỏi tại sao Trường ĐH Y Dược TP.HCM nói riêng và các trường ĐH y khác vẫn chưa thực hiện kiểm định để đạt chứng nhận của WFME, từ đó bằng cấp được Mỹ và thế giới công nhận.
"Trước mắt các trường ĐH đang liên kết với nhau, phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐH Quốc gia TP.HCM với mong muốn thành lập một trung tâm kiểm định chương trình giáo dục BS y khoa để sử dụng cho cả hệ thống. Việc phối hợp này đã triển khai nhưng hiện đang phải tạm dừng do không có nhà tài trợ. Để thành lập được trung tâm kiểm định phải có sự ủng hộ của nhà nước", GS-TS Trần Diệp Tuấn nói.
Theo GS-TS Diệp Tuấn, cần phải có nguồn tài chính khoảng 500.000 USD để hoàn thiện các khâu, từ thành lập trung tâm, xây dựng bộ máy vận hành đến việc xây dựng bộ tiêu chuẩn dựa trên bộ tiêu chuẩn của WFME, quy trình kiểm định, mời chuyên gia quốc tế, đào tạo kiểm định viên... Sau khi hoàn thiện, lúc đó các trường đào tạo y khoa sẽ tiếp tục hướng đến việc đổi mới chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất, tài nguyên, trang thiết bị, phương pháp định giá... để đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn trên. Tuy nhiên, mỗi trường cũng phải có nguồn lực và sự quyết tâm trong tương lai mới có thể thực hiện được quy trình kiểm định này.
"Đào tạo y khoa ở VN rất giỏi, đầu vào rất giỏi và các BS cũng rất giỏi. Nhưng chúng ta muốn được thế giới công nhận thì phải làm theo thế giới, không còn cách nào khác cả. Vì thế, chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm cách để đạt được sự công nhận này", GS-TS Trần Diệp Tuấn bày tỏ.