Nhóm đầu tư cũng gửi nội dung tố cáo tương tự đến Thanh tra Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi HUBT đề nghị trường báo cáo một số nội dung liên quan.
Ngày 19.4, nhà trường đã có Công văn số 1625/CV-BGH do Phó hiệu trưởng, GS Vũ Văn Hóa ký, trả lời công văn của Thanh tra Bộ GD-ĐT.
Chiều nay, 25.4, sau nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực HUBT, Báo Thanh Niên đã được nhà trường cung cấp bản phô tô Công văn 1625/CV-BGH.
Hàng ngày hiệu trưởng không đến làm việc ở trường
Trả lời câu hỏi của Thanh tra Bộ GD-ĐT: "Hiện nay GS Trần Phương có điều hành công việc hàng ngày của trường với chức vụ hiệu trưởng theo quy định của pháp luật hay không? Trong trường hợp không điều hành công việc hàng ngày thì nêu rõ lý do", Công văn 1625/CV-BGH cho biết ba nội dung cơ bản:
Trong vài năm gần đây, do điều kiện sức khỏe và tuổi cao, Hiệu trưởng, GS Trần Phương ít có điều kiện trực tiếp đến trường; GS Trần Phương phân công cho các phó hiệu trưởng chịu trách nhiệm giải quyết một số công việc thường xuyên của trường; hiệu trưởng trực tiếp quyết định những công việc quan trọng trên cơ sở hồ sơ, báo cáo.
Công văn 1625/CV-BGH xác nhận hiệu trưởng "không trực tiếp đến trường"; đồng thời đưa ra nhận định "nhưng hiệu trưởng vẫn nắm chắc và đầy đủ thông tin, hoạt động của trường".
Căn cứ để Công văn 1625 đưa ra nhận định này gồm các yếu tố: văn phòng trường cử một cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển hồ sơ, báo cáo giữa nhà trường với hiệu trưởng; hiệu trưởng có trợ lý riêng quản lý văn phòng riêng, kiêm thư ký liên lạc, giúp hiệu trưởng nhận hồ sơ, cáo cáo, truyền tải chỉ đạo bằng văn bản của hiệu trưởng tới các phó hiệu trưởng hoặc thủ trưởng các đơn vị; hiệu trưởng ủy quyền cho luật sư thay mặt và nhân danh hiệu trưởng dự các cuộc họp của trường và các phòng ban thuộc trường.
Từ năm 2017 sử dụng dấu chữ ký của GS Trần Phương
Công văn 1625 cho biết, thời gian nhà trường bắt đầu sử dụng dấu chữ ký (chữ ký khô) là từ năm 2017. Lý do sử dụng chữ ký khô là vì hàng năm số sinh viên tốt nghiệp của trường rất lớn, nhà trường dùng chữ ký khô của Hiệu trưởng, GS Trần Phương là để đảm bảo việc ký bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
Ngày 18.9.2017, trường đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị GS Trần Phương được sử dụng dấu chữ ký để đóng dấu các văn bằng thuộc thẩm quyền ký của nhà trường. Công văn 1625 không cho biết Bộ GD-ĐT trả lời như thế nào về đề nghị này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên thì vào thời điểm trên Bộ GD-ĐT không có bất kỳ văn bản nào trả lời đề nghị này.
Ngày 26.10.2017 trường có công văn gửi Bộ GD-ĐT và UBND TP.Hà Nội giới thiệu mẫu chữ ký của GS Hiệu trưởng Trần Phương.
Ngày 14.11.2017 nhà trường ban hành quy chế quản lý văn bản của nhà trường, trong đó tại Điều 10 của quy chế có quy định về nội dung quản lý và sử dụng dấu chữ ký của hiệu trưởng.
Vẫn Công văn 1625 giải thích: Năm 2020, do chưa bầu được hội đồng trường, do có nhiều diễn biến phức tạp, do tình hình sức khỏe của hiệu trưởng, nhà trường đã gửi công văn cho Bộ GD-ĐT đề nghị hiệu trưởng nhà trường tiếp tục sử dụng dấu chữ ký để ký văn bằng, hoặc được chỉ định một phó hiệu trưởng ký văn bằng. Ngày 28.7.2020, trường nhận được công văn số 1274/QLCL-QLVBCC của Bộ GD-ĐT do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng ký, có ý kiến như sau: "1. Phó hiệu trưởng phải được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ phụ trách trường thì mới có thẩm quyền ký văn bằng chứng chỉ của trường; 2. Hiện tại không có quy định về dấu chữ ký".
Công văn 1625 viết: "Do không có quy định không cho sử dụng dấu chữ ký khi cấp văn bằng chứng chỉ theo hướng dẫn trên, nên từ đó đến nay, GS Trần Phương thực hiện sử dụng dấu chữ ký khi cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên".
Chữ ký khô của GS Trần Phương được sử dụng trong trường hợp nào?
Theo nội dung Công văn 1625 có thể hiểu, từ năm 2017 đến năm 2020 nhà trường "đơn phương" sử dụng con dấu khô của GS Trần Phương để ký văn bằng, chứng chỉ cho người học. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, giai đoạn này Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT (ban hành quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân) vẫn còn hiệu lực. Khoản 1, điều 20 của quy chế có quy định: "Trong trường hợp thật cần thiết, do khối lượng văn bằng phải ký quá nhiều, người có thẩm quyền cấp văn bằng không thể ký trực tiếp vào văn bằng, thì phải trình cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp cho phép mới được sử dụng dấu chữ ký đóng lên văn bằng".
Còn từ năm 2020 đến nay, HUBT có thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc sử dụng chữ ký khô của hiệu trưởng đóng lên văn bằng tốt nghiệp của sinh viên thì dư luận chờ kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, theo phản ánh của nhóm đầu tư, HUBT dùng chữ ký khô của GS Trần Phương đóng lên nhiều loại giấy tờ khác chứ không chỉ trên văn bằng, chứng chỉ. Công văn của Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu HUBT báo cáo "các loại giấy tờ, công văn đóng dấu chữ ký", nhưng Công văn 1625 đã không hề đề cập đến nội dung này.
Ở một nội dung báo cáo khác, Công văn 1625 cũng đã phản bác thông tin của bên tố cáo là ông Trần Công Nghiệp không sử dụng chữ ký khô của GS Trần Phương, mà chính GS Trần Phương sử dụng chữ ký khô của mình. Công văn 1625 cũng nhiều lần nhấn mạnh ý ông Trần Công Nghiệp không sử dụng "chữ ký giả" của GS Trần Phương.
Công văn 1625 viết: "Trên thực tế, Phó hiệu trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp và Văn phòng trường không sử dụng dấu chữ ký của GS Hiệu trưởng Trần Phương. Mọi dấu chữ ký trên các văn bản đã lưu hành đều do chính GS Hiệu trưởng Trần Phương đóng dấu chữ ký." Nhưng chính qua trả lời này cho thấy, chữ ký khô của GS Trần Phương đã được sử dụng trên rất nhiều loại giấy tờ, công văn của HUBT, chứ không chỉ trên văn bằng chứng chỉ cấp cho người học.