Theo Bộ GD-ĐT, việc xây dựng một hệ thống liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo là cần thiết nhằm hình thành một hệ thống giáo dục thống nhất, linh hoạt và hiệu quả, tăng cường kết nối và phối hợp giữa các cấp học giáo dục phổ thông, các trình độ của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
Bằng tốt nghiệp THPT là yếu tố quan trọng khi liên thông ĐH
Theo đó, dự thảo Nghị định cho phép liên thông giữa trung cấp với cấp THPT. Học sinh đã tốt nghiệp THCS, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp sẽ được học liên thông theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này.
Học sinh đã hoàn thành chương trình cấp THPT được học liên thông theo chương trình đào tạo trung cấp. Bộ trưởng LĐ-TB-XH quy định việc công nhận kết quả học tập, miễn trừ khối lượng học tập và sắp xếp kế hoạch học tập cho đối tượng học liên thông này.
Đối với trung cấp liên thông lên ĐH, người tốt nghiệp trung cấp nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT.
Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ ĐH cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT do cơ sở giáo dục ĐH xác định.
Đối với liên thông từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp CĐ, nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh tốt nghiệp THPT.
Người tốt nghiệp CĐ, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các phương thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng do cơ sở giáo dục ĐH xác định.
Với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề, chỉ tuyển sinh riêng để đào tạo theo hình thức chính quy, đồng thời thí sinh phải có giấy phép hành nghề trước khi đăng ký dự tuyển.
Công nhận kết quả ra sao?
Đối với liên thông từ trung cấp lên ĐH, căn cứ quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp trung cấp cùng nhóm ngành nghề, trong đó tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH không vượt quá 20%. Đặc biệt, không áp dụng miễn giảm khối lượng học tập đối các ngành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề.
Tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm khi liên thông từ CĐ lên ĐH không vượt quá 50% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp, 25% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.
Tỷ lệ này là 25% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp và 10% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.
Với những quy định mới trong dự thảo này, người tốt nghiệp trung cấp (có hoặc chưa có bằng tốt nghiệp THPT), kể cả người tốt nghiệp CĐ mà chưa có bằng tốt nghiệp THPT (đối tượng tốt nghiệp THCS có bằng CĐ đã học đủ khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT), muốn liên thông lên ĐH vẫn phải tham gia kỳ tuyển sinh chung với thí sinh tốt nghiệp THPT.
Điều đó có nghĩa thí sinh phải tham dự các kỳ thi như thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực... để lấy điểm xét tuyển ĐH.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao (TP.HCM), cho rằng dự thảo nghị định này đã quy định cụ thể, rõ ràng các đối tượng, điều kiện liên thông tạo cơ sở cho các trường thực hiện, mặc dù việc học sinh trung cấp muốn liên thông lên ĐH vẫn phải tham gia phương thức tuyển sinh chung như học sinh tốt nghiệp THPT sẽ có chút khó khăn, bất lợi cho các em. Tuy nhiên, từ đây các trường sẽ phải thiết kế đào tạo các môn văn hóa làm sao để bám sát chương trình, giúp các em có đủ kiến thức để thi kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy điểm xét tuyển ĐH. Khi đậu, các em được công nhận 20% khối lượng kiến thức, vậy cũng bớt thiệt thòi cho học sinh.