BÁO CÁO CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, CƠ QUAN THUẾ
Nhiều bạn đọc đặt ra vấn đề làm sao để XHH giáo dục mà không dồn gánh nặng đóng góp sang phụ huynh, bị biến tướng để trở thành lạm thu? Luật sư Lê Hồng Hiển cho rằng mấu chốt nằm ở việc mỗi cơ sở giáo dục có làm đúng, làm đủ, chấp hành, tuân thủ nghiêm túc khi áp dụng các quy định của pháp luật về XHH giáo dục hay không, hay trong thực tế đã biến tướng rồi lạm dụng thuật ngữ "XHH giáo dục", để trở thành lạm thu.
"Nếu đối chiếu với Điều 14, Nghị định số 69 năm 2008, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59 năm 2014 của Chính phủ thì tại đây có quy định các nguồn thu mà các cơ sở thực hiện XHH giáo dục được phép thu. Tất cả đã được quy định cụ thể, chứ không phải cơ sở giáo dục đó muốn thu gì thì thu, muốn thu khoản nào thì thu. Và cũng theo nghị định của Chính phủ mà tôi viện dẫn, tất cả hoạt động thu chi này đều phải công khai, minh bạch, đều phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế… Nếu thực hiện đúng các quy định của nghị định thì đó là hợp pháp, hợp lý", luật sư Lê Hồng Hiển nói.
VAI TRÒ CỦA CÁC ĐOÀN THANH TRA, KIỂM TRA
Đáng chú ý, theo luật sư Lê Hồng Hiển, một khoản được phép thu mà gây nhiều tranh cãi, dễ bị biến tướng nhất, đó là khoản thu số 5 - từ viện trợ, tài trợ, quà biếu, quà tặng. Luật sư Hiển nhấn mạnh bản chất nguồn này là tự nguyện. Người tài trợ, biếu, đóng góp trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh học sinh cho nhà trường, không được ép, thì đó là nguồn thu hợp pháp. Tuy nhiên, như mọi người thấy, trong thời gian qua nó đã bị biến tướng, nhiều nơi xảy ra tình trạng "ép" thu khoản này khoản kia, tạo nên nhiều bức xúc cho phụ huynh.
Bên cạnh đó, luật sư Hiển cũng đặt ra vai trò của các đoàn thanh tra, kiểm tra. Thanh tra đúng, khách quan sẽ đương nhiên phát hiện vi phạm của các cơ sở giáo dục và có chế tài xử lý. Còn hằng năm, ở mỗi địa phương đều tổ chức hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng vì sao cứ đầu năm học lại xảy ra những lùm xùm ở đâu đó về thu chi, về các khoản thu tự nguyện, về XHH giáo dục? Theo luật sư Hiển, dư luận có quyền đặt ra vấn đề tính khách quan, hiệu quả của các đoàn thanh tra.
THÀNH LẬP ỦY BAN GIÁM SÁT
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục và đào tạo YOUREORG, khẳng định: "Trong quá trình XHH giáo dục, việc giám sát cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng các nguồn lực từ phụ huynh và cộng đồng được sử dụng đúng mục đích". Ông Phong đưa ra một số biện pháp và cơ chế giám sát cụ thể để tránh những trường hợp tiêu cực xảy ra.
Trước tiên, cần quy trình minh bạch và công khai sử dụng ngân sách. Thứ hai, cần thiết lập một ủy ban giám sát từ phụ huynh và đại diện nhà trường. Một cơ chế giám sát hiệu quả là thành lập ủy ban giám sát bao gồm đại diện phụ huynh, nhà trường và các giáo viên. Ủy ban này sẽ phê duyệt các khoản chi từ nguồn XHH giáo dục, theo đó không cá nhân nào có quyền tự quyết định việc sử dụng số tiền này cho các mục đích cá nhân, và giám sát quá trình thực hiện. Kế đó, cần báo cáo tài chính, kiểm toán định kỳ để đảm bảo minh bạch và tránh lạm dụng. Đồng thời, cần có hình thức xử lý kỷ luật rõ ràng, nghiêm minh với những ai vi phạm.
Đặc biệt, ông Lê Hoàng Phong nhấn mạnh cần phải tăng cường giáo dục về đạo đức nghề nghiệp cho các nhân sự trong lĩnh vực giáo dục, giúp họ hiểu rõ trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực XHH.
GIÁO VIÊN, NHÀ TRƯỜNG CẦN TẠO ĐƯỢC NIỀM TIN
Ở góc độ phụ huynh, chị T.B.G, có con học tại Trường mầm non M.T, P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho rằng XHH giáo dục không khó. Chị dẫn ra một câu chuyện của bản thân chị. Năm ngoái, cô giáo thông báo trong nhóm lớp rằng phụ huynh đi nhận tiền cho con. Cụ thể, trường đã làm hồ sơ hỗ trợ học phí cho các bé đang học tại trường. Bé nhà trẻ được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/bé. Mẫu giáo, mỗi bé được hỗ trợ 140.000 đồng. 9 tháng học, mỗi bé được nhận lại khoảng 1 triệu đồng. Vợ chồng chị T.B.G đã ủng hộ toàn bộ số tiền bé nhận được lại cho nhà trường để nhà trường quyết định việc sử dụng. Sau đó họ mới biết không chỉ mình mà các phụ huynh khác đều ủng hộ rất nhiều. Qua năm học mới, anh chị bất ngờ vì phần sân trường các con thường tập trung đã được nâng nền, lát gạch sạch sẽ, còn được làm thêm phần vòm khang trang.
"XHH giáo dục có khó không? Tôi nghĩ trường con mình là một câu trả lời. Khi giáo viên, nhà trường tạo dựng được niềm tin cho phụ huynh thì phụ huynh chẳng ngại đóng góp", chị T.B.G chia sẻ.
Đừng XHH theo kiểu "bổ đều" lên vai phụ huynh
Thông tư 16/TT-BGDĐT ngày 3.8.2018 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có nội dung rõ ràng, nên từ giáo viên đến ban giám hiệu, lãnh đạo phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT khó có thể nói không hiểu, hiểu một phần, hay hiểu rồi vận dụng sai.
Các cơ sở giáo dục mất nhiều thời gian, công sức mới có thể nhận được tài trợ giáo dục đúng nghĩa. Trong khi đó lãnh đạo các trường có tâm lý muốn đẩy nhanh tốc độ nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Để đạt được điều đó thì phải dựa vào ban đại diện cha mẹ học sinh, chia đều mức thu có tên XHH, vừa nhanh lại dễ thực hiện. Đây là kiểu XHH "bổ đều" lên vai phụ huynh…
Nhà trường cần lấy danh dự, tự trọng, thấu hiểu làm nòng cốt. Giá trị ấy là nguồn lực để giáo dục phát triển. Lãnh đạo nhà trường kiên trì thực hiện XHH, đặt ra lộ trình trên cơ sở thấu cảm với phụ huynh. Theo đó, tiến hành vận động tài trợ với bước đi hợp lý, "dân vận khéo", thuyết phục bằng sự tiến bộ trong dạy và học của thầy trò.
Tiếng lành đồn xa sẽ nhận được sự hỗ trợ. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, người chưa có thì góp công. Cái kết của XHH giáo dục, sâu xa hơn, đó là nối vòng tay lớn vì lợi ích trăm năm.
Trả lại sự trong sáng khi các trường vận động tài trợ giáo dục là việc rất quan trọng và cần thiết, để con đường đến trường của học sinh, phụ huynh học sinh và cả thầy cô không còn nặng gánh lạm thu tiền trường "nhân danh" XHH giáo dục.
TS Nguyễn Hoàng Chương