Chọn ngành nghề không đúng gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết là sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của chính HS và gia đình. Sau đó là không giúp HS có thể phát huy năng lực ở lĩnh vực đáng ra là thế mạnh.
Con số nhiều sinh viên bị đình chỉ học tập, bỏ học tăng cao thời gian vừa qua là một góc phản ánh cho việc thiếu định hướng chọn ngành vào ĐH. Do không học ngành phù hợp nên nhiều sinh viên hoặc không theo kịp do năng lực không đáp ứng, hoặc chán nản bỏ cuộc.
Chúng tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều câu chuyện đầy tiếc nuối khi phụ huynh chạy ngược xuôi tìm cách liên lạc với con, là sinh viên những năm cuối ĐH, nhưng bất thành. Sau cùng mới vỡ lẽ vì không theo được ngành học, có cố cũng không nổi, sinh viên đành bỏ học, sợ ba mẹ buồn nên cắt mọi liên lạc.
Cũng có trường hợp sinh viên học ngành theo mong muốn của người thân, ráng học đến ngày tốt nghiệp. Nhận bằng xong, trao bằng cho ba mẹ và xin phép được học lại ngành đúng với nguyện vọng, sở trường…
Mong muốn HS được tư vấn, hiểu biết về ngành nghề, lựa chọn ngành học phù hợp với nghề nghiệp tương lai sớm hơn giờ đây phần nào trở thành hiện thực khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phân hóa mạnh mẽ từ cấp THPT. Nghĩa là ngay khi bước vào cấp học này, bên cạnh các môn bắt buộc và hoạt động giáo dục, HS sẽ lựa chọn các tổ hợp môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp của mình.
3 năm qua thực hiện Chương trình GDPT mới ở cấp THPT có nhiều bỡ ngỡ, lúng túng từ phía nhà trường, phụ huynh lẫn HS trong việc chọn tổ hợp môn tự chọn, nay đã dần thích ứng và tìm hướng đi để đạt hiệu quả tốt nhất. Giờ đây, cả nhà trường, phụ huynh và HS đều nhận thức được rằng cần tìm hiểu ngành nghề ở các trường ĐH, tổ hợp môn tự chọn ở trường THPT… ngay từ khi HS lớp 9 chuẩn bị thi lớp 10, chứ không đợi đến lớp 11, 12 vì như thế là quá trễ.
Đây là một tín hiệu tốt trong việc định hướng nghề nghiệp. Khi được tiếp cận tư vấn sớm sẽ giúp HS có thời gian điều chỉnh, hạn chế những lựa chọn sai lầm.
Tìm hiểu ngành học ĐH từ lớp 9, mặt nào đó hy vọng sẽ kéo theo phân luồng giáo dục hiệu quả hơn sau THCS mà bao lâu nay chưa thực hiện được như mục tiêu đề ra.
Khi học và làm công việc phù hợp với năng lực, hiệu quả sẽ cao hơn; có cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vốn là điểm yếu của VN trước nay. Theo cách này, giáo dục VN dần đang đi cùng hướng với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.