Đó là kết quả một khảo sát được công bố tại lễ khai khóa 2025 của ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) sáng nay (20.10), về mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rảnh rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống ĐH của sinh viên ĐHQG TP.HCM.
Một số sinh viên quan niệm chưa đúng về việc lập kế hoạch cho thời gian rỗi
Đây là đề án nghiên cứu mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống ĐH của sinh viên tại Ký túc xá ĐHQG TP.HCM. Nghiên cứu này cung cấp góc nhìn sâu sắc, toàn diện về thói quen sử dụng thời gian nhàn rỗi của sinh viên đang sống và học tập tại ký túc xá.
Khảo sát được thực hiện với tất cả sinh viên đang sống và học tập tại ký túc xá, về các các nội dung: thói quen, mục đích và thái độ đối với thời gian rỗi của sinh viên; sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống ĐH; các câu hỏi đánh giá hiệu quả học tập của sinh viên và ý kiến về các chính sách hỗ trợ sinh viên.
Khảo sát thu được hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên thuộc các trường ĐH thành viên ĐHQG TP.HCM đang sinh sống tại ký túc xá. Dữ liệu thu được chủ yếu từ các sinh viên năm nhất (29,22%); năm 2 (26,74%); năm 3 (24,38%); năm 4 (16,01%). Phần lớn sinh viên thuộc Trường ĐH Bách khoa (29,67%); Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (21,14%) và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (14,82%). Các nhóm ngành chiếm đa số bao gồm: kỹ thuật (24,74%); ngôn ngữ, kinh tế - quản trị (18,43%); công nghệ thông tin (17,47%).
Khảo sát cũng cho thấy phần lớn sinh viên có thời gian rỗi từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,71%); 22,95% sinh viên có thời lượng thời gian rỗi từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày; 10% sinh viên có ít hơn 1 giờ rỗi.
Khảo sát cho thấy sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất, cho thấy nhu cầu thư giãn và giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng. Sinh viên cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân, tuy nhiên mức độ quan tâm này còn khá khiêm tốn so với các hoạt động khác. Việc mở rộng mạng lưới xã hội không được các bạn sinh viên chú trọng nhiều.
Hiện nay, sinh viên dành phần lớn thời gian rảnh rỗi cho các hoạt động giải trí đơn thuần hơn là các hoạt động có kế hoạch hoặc giúp phát triển bản thân. Các con số cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình cũng như còn hạn chế trong việc quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động một cách hợp lý.
Sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chủ động sử dụng thời gian rỗi và hiểu rằng việc sử dụng thời gian rỗi một cách hiệu quả có thể mang lại cảm giác hạnh phúc và vui vẻ. Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn còn những quan niệm chưa đúng về việc lập kế hoạch cho thời gian rỗi, cho rằng việc lập kế hoạch cho thời gian rỗi là lãng phí thời gian. Điều này cho thấy sinh viên chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của việc lên kế hoạch. Đa số sinh viên nhận định sức khỏe và các yếu tố xã hội, gia đình ảnh hưởng lớn đến cách sử dụng thời gian rỗi của các bạn.
Sinh viên cảm thấy áp lực vì điều gì?
Trong môi trường ĐH, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình học tập. Đa số sinh viên cho rằng họ cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử. Điều này cho thấy "áp lực đồng trang lứa" tại môi trường ĐH. Vượt qua các khó khăn nêu trên, sinh viên vẫn giữ được sự tự tin và quyết tâm học tập thông qua việc cảm thấy có tiến bộ và đạt kết quả tốt nếu nỗ lực. Sinh viên tự tin mình có thể hoàn thành công việc hiệu quả.
Các phân tích cho thấy việc sinh viên có mục đích tích cực đối với quỹ thời gian rỗi của mình đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức độ hài lòng về cuộc sống ĐH. Các sinh viên dành ưu tiên cho "phát triển bản thân" sẽ có sự hài lòng đối với cuộc sống ĐH cao hơn so với các sinh viên dành ít ưu tiên. Tuy nhiên, mức độ quan tâm cho các hoạt động này còn khá khiêm tốn.
Cuối cùng, kết quả từ nghiên cứu cho thấy sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống ĐH có tác động tích cực tới khả năng tập trung của sinh viên trong lớp. Bên cạnh đó, yếu tố này cũng có tác động tích cực trong việc làm giảm sự lo lắng về bài kiểm tra, thi cử, điểm số và áp lực khi so sánh với bạn bè. Số liệu này cho thấy tác động tích cực của sự hài lòng đến hiệu quả học tập của sinh viên.
Nghiên cứu đưa ra đề xuất, kiến nghị gì?
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra những đề xuất, kiến nghị với người học. Cụ thể, sinh viên đang dành nhiều ưu tiên cho các hoạt động giải trí, mà chưa tập trung các hoạt động phát triển bản thân. Do đó, đề xuất sinh viên chủ động thực hiện một số các nội dung: cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân; chủ động tham khảo lịch học để xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn; tham gia các khóa đào tạo hoặc buổi báo cáo chuyên đề về quản lý thời gian rỗi và các kỹ năng quan trọng khác như lãnh đạo, rèn luyện tư duy đổi mới, thúc đẩy bản thân... khi có cơ hội kết hợp việc tự xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến quản lý thời gian rỗi để có kết quả tốt hơn.
Ngoài ra, sinh viên cũng cần xây dựng lộ trình học tập, hoạt động ngoại khóa với những KPI cụ thể để có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện kế hoạch của bản thân và sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Tăng cường các hoạt động tập thể, đoàn hội, gia tăng tinh thần cộng tác, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân.
Đối với các trường ĐH, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, kết quả phân tích cho thấy sinh viên có tâm lý tự ti, lo lắng khi thấy bạn bè có thành tích học tập tốt hơn. Nhằm giải quyết vấn đề này, các phòng ban, đơn vị đào tạo nhà trường cần có biện pháp khuyến khích sinh viên xây dựng các nhóm học tập (có thể được hỗ trợ bởi các sinh viên khóa trên) nhằm thúc đẩy trao đổi, gắn kết giữa các sinh viên. Bên cạnh đó, các sinh viên trưởng nhóm cũng nhận được các phúc lợi từ trường hoặc ký túc xá…