Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT), trong đó điều đáng quan tâm nhất là việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Tôi xin có một vài đề xuất sau.
Theo tôi, tính chất của kỳ xét/thi tốt nghiệp và kỳ xét/thi tuyển sinh rất khác nhau. Kỳ xét/thi tốt nghiệp chủ yếu đánh giá chất lượng việc dạy và việc học của một cấp học; những học sinh đạt chuẩn cuối cấp sẽ được công nhận tốt nghiệp. Kỳ tuyển sinh đầu cấp, trên cơ sở học sinh đạt chuẩn của cấp học trước, nhằm phân loại học sinh theo nhu cầu đào tạo của các loại hình trường, học sinh đạt (điểm) chuẩn sẽ trúng tuyển.
Do đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THPT quy định: "Đối tượng tuyển sinh THPT là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có độ tuổi theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học".
Tuy nhiên, tại điều 12, khoản 1, mục a quy định, việc lựa chọn môn thi thứ ba "có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp các môn học, được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình trung học cơ sở". Việc này thuộc chức năng kỳ xét tốt nghiệp trung học cơ sở.
Phải khẳng định, tất cả học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở là đảm bảo yêu cầu phẩm chất và năng lực "giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản". Không nên, một lần nữa, đưa vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Tuyển sinh THPT có 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc ít hơn số đối tượng tuyển sinh đăng ký dự tuyển thì chỉ cần xét tuyển, không phải tổ chức thi, đỡ tốn kém công sức và tiền của. Những trường có số đối tượng tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu thì tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Môn thi tuyển sinh THPT nên xác định rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm. Không và tuyệt đối không dùng hình thức "bốc thăm". Điều 12, khoản 1 trong dự thảo lại quy định: môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn và một trong hai phương án và công bố trước 31.3 hằng năm.
Quy định này nếu ban hành chính thức sẽ dẫn đến các sở GD-ĐT phải "bốc thăm", "may nhờ rủi chịu". Thật sự không nên!
Vì sao môn thứ ba nên chọn ngoại ngữ?
Với quan điểm thi tuyển THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém thì số môn thi có thể là 2 hoặc 3 môn. Nếu là 2 môn thì chọn toán và ngữ văn. Nếu là 3 môn thì chọn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Vì sao môn thứ ba nên chọn ngoại ngữ? Vì ngoại ngữ là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở THPT. Sau này, nếu môn tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, bắt buộc tất cả học sinh từ lớp 3 - 12 phải học thì môn thứ ba là tiếng Anh. Theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì việc chọn môn thứ ba là ngoại ngữ là cần thiết, không nên bàn luận thêm.
Đối với việc tuyển sinh trường THPT chuyên, ngoài hai môn thi bắt buộc toán và ngữ văn như học sinh không chuyên, môn thứ ba là môn thi chuyên, có đề thi riêng để chọn học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Cần bỏ quy định không thực tế
Tôi xin góp ý thêm về điều 14, khoản 2, mục a trong dự thảo quy định cộng 2.0 điểm ưu tiên cho "con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945" và "con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945". Theo tính toán sơ bộ, các cụ lão thành cách mạng ở tuổi 95 trở lên thuộc diện này. Các cụ không thể có con (15 tuổi) thi tuyển lớp 10 từ năm 2025 trở đi. Do đó, nên bỏ các quy định nói trên cho phù hợp thực tế.