"Thịt ngon; canh hơi nhạt; gà hơi nhiều dầu; chuối ngon…", đó là nét chữ của các em học sinh (HS) kèm theo các đánh giá cơm bán trú theo 3 mức độ: thích - bình thường - không thích, được các em đánh dấu trên các phiếu "Ghi nhận bữa ăn bán trú".
Từ đầu tháng 10.2024, HS Trường tiểu học Trần Thị Bưởi (TP.Thủ Đức, TP.HCM) được nêu cảm nhận về suất ăn hằng ngày trong từng phiếu như vậy. Các em có thể ghi tên hoặc ghi số thứ tự của mình, hoặc để trống ô ghi tên, và gửi lại phiếu cho các cô bảo mẫu, nộp lại cho nhà trường.
Căn cứ trên nhận xét của HS, thầy cô phụ trách công tác an toàn trường học, công tác bán trú sẽ tổng hợp, đưa ra những ý kiến tới bộ phận cấp dưỡng, nhà bếp để phục vụ chất lượng bữa ăn được tốt hơn. Đây cũng là một trong những nội dung công khai bữa ăn bán trú tới HS, phụ huynh để gia đình đồng hành cùng nhà trường trong các công tác được tốt hơn.
"Nhà trường công khai thực đơn hằng tuần trên bảng thực đơn, trên sổ liên lạc điện tử. Song những trải nghiệm, nhận xét của HS là chân thực nhất, vì hình ảnh có thể minh họa, còn cảm nhận của các con, cơm ngon hay dở, mặn hay nhạt, ít hay nhiều… cần được lắng nghe hằng ngày và kịp thời điều chỉnh", cô Nguyễn Thị Ngân Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, nói.
Cô Hà cũng cho biết trong hơn 1.000 HS bán trú tại trường, mỗi trẻ có thể có khẩu vị khác nhau và nhà trường luôn phải ưu tiên yếu tố an toàn. "An toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho các em HS luôn là điều chúng tôi quan tâm nhất và thấy vai trò, trách nhiệm của mình rất lớn", cô Hà nói thêm.
Năm học mới này, tiền suất ăn bán trú của HS Trường tiểu học Trần Thị Bưởi là 35.000 đồng/em/ngày (bao gồm cả bữa trưa và xế). Bữa trưa được bố trí gồm món mặn, món xào, món canh, món tráng miệng, khẩu phần ăn được tính toán theo phần mềm dinh dưỡng. Theo quy định, nhà trường phải công khai cơ sở cung cấp thực phẩm tại trường tới cha mẹ HS vào đầu năm học. Nếu trong năm học có điều chỉnh, nhà trường phải tiếp tục thông báo cho phụ huynh.
Ngày 10.10.2024, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân Hà đã ký bản kế hoạch phối hợp ban đại diện cha mẹ HS trong đảm bảo an toàn thực phẩm và triển khai hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho HS. Theo đó, ban đại diện cha mẹ HS phối hợp các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ… trong các khâu bảo đảm an toàn thực phẩm như giám sát tiếp phẩm; giám sát sơ chế, chế biến, thử mẫu, chia khẩu phần ăn; giám sát hồ sơ liên quan của đơn vị cung cấp thực phẩm. Hiệu trưởng nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS được giám sát đột xuất, tuân thủ các quy định, nội quy an toàn nhà trường.
TIẾT HỌC MỞ, GIỜ ĂN MỞ
Nhiều năm học qua, nhiều trường tại TP.HCM đã tổ chức các ngày "Open House", tiết học mở, giờ ăn mở, mời phụ huynh vào trường học cùng, chơi cùng con, ăn cơm cùng con, quan sát bếp ăn bán trú có đảm bảo đủ điều kiện, cần góp ý gì cho nhà trường hay không. Đây cũng là một cách công khai chất lượng giáo dục, công khai minh bạch chất lượng, sự an toàn của bữa ăn bán trú trong trường học để phụ huynh yên tâm.
Đặc biệt, năm học mới 2024 - 2025, nhiều trường tại các quận trung tâm TP áp dụng tiền ăn 40.000 đồng/ngày (gồm bữa trưa và xế), tăng 15% so với năm ngoái, phụ huynh cũng cần biết số lượng, chất lượng bữa ăn của con khác biệt ra sao.
Mới đây, đầu năm học 2024 - 2025, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) mời phụ huynh tới trường cùng xem công tác tổ chức bán trú, HS ăn bữa trưa tại trường. Ngày 8.10, hơn 50 phụ huynh HS Trường tiểu học Hiệp Tân (Q.Tân Phú) cũng tham gia giờ ăn mở của trường. Trong giờ ăn mở này, phụ huynh thăm bếp ăn một chiều, xem công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được áp dụng trong thực tế tại trường, thông tin công khai về các đơn vị cung cấp thực phẩm. Phụ huynh cũng được vào lớp, quan sát các con ăn cơm, cảm nhận về đồ ăn.
Nhiều trường mầm non tại TP.HCM đã công khai thực đơn, hình ảnh món ăn thực tế hằng ngày tới phụ huynh qua trang web nhà trường, các ứng dụng liên lạc điện tử với phụ huynh. Đáng chú ý, không chỉ báo cáo thực đơn, nhiều trường mầm non công lập trong TP, như Trường mầm non Thành Phố (Q.3), Trường mầm non Nam Sài Gòn (Q.7), Trường mầm non Đồng Xanh (H.Nhà Bè) nhiều năm qua đều có tủ trưng bày đồ ăn thực tế trong ngày của trẻ (không phải tủ lưu mẫu), đặt ở vị trí ngay sảnh vào trường.
Còn tại Q.1, từ năm học 2024 - 2025, các trường mầm non công lập phải công khai bữa ăn của trẻ, trưng bày suất ăn thực tế của trẻ, thuận tiện cho phụ huynh có thể xem mỗi ngày. Việc công khai suất ăn thực tế giúp cha mẹ trẻ khi đưa đón trẻ đến trường có thể quan sát xem sáng, trưa và buổi xế con ăn món gì, định lượng món ăn ra sao. Khi yên tâm về suất ăn bán trú, phụ huynh dễ dàng đồng hành cùng nhà trường trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ.
"Hôm nay con có vui không"
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân Hà chia sẻ với các giáo viên chủ nhiệm rằng dù bận rộn đến đâu cũng tập thói quen trò chuyện, lắng nghe các em HS vào cuối mỗi ngày đi học. Các cô nên hỏi các con những câu đơn giản như: "Hôm nay con có điều gì vui?", "Điều gì con chưa vui?", "Việc ăn trưa nghỉ trưa tại trường con còn khó khăn gì không?", "Điều gì con cần giúp đỡ?",
"Nhà vệ sinh ở trường thế nào?"… và lắng nghe, ghi nhận những ý kiến từ HS. Song song đó, công tác báo cáo lên cán bộ quản lý nhà trường cũng cần kịp thời. Các ý kiến được lắng nghe mỗi ngày và được giải quyết kịp thời sẽ mang lại môi trường học đường an toàn, lành mạnh, vui vẻ cho các em HS.
Đột xuất kiểm tra bữa ăn của học sinh, có được không ?
Nhiều phụ huynh HS chưa hài lòng với việc nhà trường chỉ mời đến thăm nhà bếp hoặc ăn cơm cùng con 1 - 2 lần trong năm học. Nhiều người cho rằng nếu mời khách tới thì chắc chắn phải chỉn chu hơn ngày thường, nên muốn được đột xuất tới trường kiểm tra. Nhưng đột xuất là như thế nào, có phải tới trường bất cứ lúc nào cũng được?
Trả lời băn khoăn này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết: "Trường học có các nội quy, cần phải đảm bảo an ninh nhà trường, an toàn cho HS, phòng tránh nguy cơ người lạ mặt tự nhiên vào trường và nói là phụ huynh muốn vào kiểm tra bữa ăn. Chúng tôi rất sẵn lòng mời phụ huynh tới kiểm tra đột xuất, phụ huynh có thể đi cả 5 ngày trong tuần, nhưng vẫn cần thông báo trước. Ví dụ buổi sáng 8 giờ, ban đại diện cha mẹ HS gọi điện tới trường, sau đó 9 giờ có mặt để vào kiểm tra luôn. Khi đăng ký, cũng cần thông báo trước là ai sẽ đến, mấy người đến, và phụ huynh cũng cần mang theo thẻ CCCD để ghi lại thông tin khách tới trường tại phòng bảo vệ".