Cụ thể, điểm hạnh kiểm tối đa là 10 điểm. Cuối năm, nếu điểm hạnh kiểm thấp hơn 5 thì học sinh THCS và THPT sẽ bị “ở lại lớp”, bất kể điểm học tập các môn đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, điểm hạnh kiểm là điều kiện ảnh hưởng đến khả năng học sinh được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không.
Ông Giuseppe Valditara, Bộ trưởng Giáo dục Ý, gọi đây là “một cuộc cải cách giáo dục” nhằm khôi phục ý thức trách nhiệm cá nhân của học sinh và sự tôn trọng dành cho giáo viên.
Luật mới còn đưa ra khoản phạt hành chính từ 500 - 10.000 euro đối với các hành vi gây hấn hoặc hành hung giáo viên, nhân viên trường học.
Hiệp hội Hiệu trưởng của Ý (ANP) lên tiếng ủng hộ luật mới về điểm hạnh kiểm sau khi số lượng vụ việc học sinh gây hấn, hành hung giáo viên trong 9 tháng qua (tính từ tháng 1.2024) tăng hơn 110% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong nhiều vụ việc, giáo viên được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Ở những trường hợp khác, thủ phạm hành hung giáo viên lại chính là phụ huynh. Học sinh thường xung đột với giáo viên liên quan đến vấn đề sử dụng điện thoại di động trong lớp học.
Theo Reuters, nước Ý cấm điện thoại trong trường học từ năm 2007. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Bộ trưởng Giáo dục Valditara tiếp tục siết chặt lệnh cấm này.
Ông Antonello Giannelli, Chủ tịch ANP, cho biết điểm hạnh kiểm là "một bước tiến mới". “Chúng tôi chứng kiến quá nhiều trường hợp học sinh có hành vi vô kỷ luật và bất thường. Học sinh cần phải suy ngẫm về ý thức chịu trách nhiệm cho hậu quả xuất phát từ hành động của mình”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng điểm hạnh kiểm được ban hành là nhằm củng cố “văn hóa độc đoán và trừng phạt”.
Điểm hạnh kiểm lần đầu tiên được áp dụng dưới thời của Thủ tướng Benito Mussolini (1883 - 1945) hồi năm 1924 và đã bị gỡ bỏ vào năm 2000 sau làn sóng phản đối của học sinh.