Bảng báo cáo dưới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, năm học 2023-2024, TP.HCM có tổng 3.312 học sinh chuyên biệt (326 trẻ ở độ tuổi mầm non).
Trong số các em học sinh chuyên biệt, nếu chia theo dạng tật thì khuyết tật vận động có ít học sinh nhất - chỉ 46 em; khuyết tật trí tuệ chiếm số lượng đông nhất với 1.820 học sinh (chiếm tỷ lệ 54,95%).
Cũng từ bảng báo cáo trên của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy con số đáng chú ý là chỉ có 451 em/tổng số 3.312 học sinh chuyên biệt được can thiệp sớm (tỷ lệ là 13,6%).
Vì sao cần can thiệp sớm cho trẻ?
Theo các chuyên gia, giai đoạn từ 0 - 3 tuổi là giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ cần giáo dục đặc biệt, từ 3 - 6 tuổi đã là trễ nhưng chậm còn hơn không, phụ huynh đừng để tới khi con mười mấy tuổi mới đưa con đi can thiệp.
Tại TP.HCM, trung tâm giáo dục đặc biệt SENBOX, Q.7, là nơi can thiệp cá nhân 1-1 hoặc 2-1 toàn thời gian từ sáng tới chiều, cho trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm phát triển, rối loạn phổ tự kỷ (ASD), rối loạn thiếu chú ý (ADD), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), có hành vi thách thức.
Ông Doyle Mueller, giáo viên đến từ Đức với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em khuyết tật học tập trên khắp thế giới, bao gồm Đức, Anh, Úc, New Zealand và Việt Nam, hiện là giám đốc, người sáng lập hệ thống giảng dạy SENBOX và trung tâm giáo dục đặc biệt SENBOX từng chia sẻ với PV Báo Thanh Niên những băn khoăn của ông về một số vấn đề của một số cha mẹ có con cần giáo dục đặc biệt. Điển hình là phụ huynh không chấp nhận con mình cần giáo dục đặc biệt. Vẫn còn những suy nghĩ như đưa con đến bác sĩ này, bệnh viện kia để con được điều trị bằng thuốc, châm cứu… thì con sẽ hết. Hoặc cũng có những cha mẹ đưa con đến trường, tới trung tâm giáo dục đặc biệt thì không biết hoặc không dám hỏi thầy cô giáo đã can thiệp những gì tới con mình, cho con thực hành bài tập gì…
Ông Mueller muốn thay đổi nhận thức của tất cả phụ huynh. Theo ông Mueller, phụ huynh cần chấp nhận con cái cần phải giáo dục đặc biệt, và phải làm càng sớm càng tốt, để không bỏ lỡ giai đoạn vàng của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cho con đi can thiệp rồi thì cũng không nên phó mặc con hết cho nhà trường và nơi nuôi dạy trẻ. Cha mẹ nên được quan sát, được biết, được hỏi "tại sao" về những cách can thiệp của giáo viên với con em mình.
Trung tâm thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM giúp chẩn đoán - đánh giá, tư vấn
Tại TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (đơn vị công lập, trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, địa chỉ 108 Lý Chính Thắng, Q.3) là một trong những đơn vị thực hiện nhiệm vụ chẩn đoán - đánh giá và tư vấn dành cho đối tượng trẻ em khuyết tật, trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Trong báo cáo tham luận công tác chẩn đoán - đánh giá và tư vấn tại trung tâm này trong buổi tổng kết giáo dục đặc biệt năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 tại Sở GD-ĐT hôm 25.9, lãnh đạo trung tâm này cho biết trẻ được đưa đến đăng ký chẩn đoán đánh giá với nhiều mục đích khác nhau. Như giúp phụ huynh hiểu được tình trạng khó khăn của trẻ và được tư vấn định hướng hỗ trợ can thiệp giáo dục sớm và hỗ trợ trị liệu cho trẻ; làm cơ sở để các tổ chức, cơ sở giáo dục xét chế độ, chính sách đối với trẻ khuyết tật; định hướng cho nhà trường trong việc thực hiện chế độ miễn/giảm môn học, điều chỉnh, chọn lựa nội dung chương trình, phương pháp dạy - học, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với mức độ khả năng, nhu cầu của trẻ.
Trung tâm tiếp nhận những trẻ em và học sinh ở độ tuổi từ 0 đến 18 và được chia thành các nhóm tuổi: trẻ dưới 3 tuổi, trẻ từ 3 đến dưới 6 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS và học sinh THPT.
Nhân sự tham gia công tác chẩn đoán - đánh giá và tư vấn tại Trung tâm gồm nhà quản lý giáo dục đặc biệt, nhà giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu tâm vận động, nhà trị liệu tâm lý lâm sàng, nhà trị liệu tâm lý hệ thống, nhà tâm lý học giáo dục (tâm lý học đường).
Trung tâm có công cụ đánh giá trẻ phù hợp, tùy theo độ tuổi, mức độ phát triển, đặc điểm tâm sinh lý, dạng khó khăn và nhu cầu của mỗi trẻ (bảng kiểm phát triển dành cho trẻ dưới 6 tuổi, thang đo năng lực trí tuệ WISC-IV, bộ đánh giá Ycat-2, thang đánh giá ADHD, bộ trắc nghiệm trí tuệ KABC,…).
Theo lãnh đạo trung tâm, quy trình thực hiện khi có trẻ tới đánh giá gồm các bước sau: Tiếp nhận và ghi danh trẻ đăng ký đánh giá; phân công và xếp lịch đánh giá trẻ; thực hiện đánh giá trẻ; trả kết quả đánh giá; tư vấn định hướng hỗ trợ trẻ/học sinh sau đánh giá.
Khi ra kết quả đánh giá, các nhà chuyên môn luôn nêu lên những khuyến nghị để giúp phụ huynh và giáo viên có hướng hỗ trợ trẻ phù hợp và kịp thời. Đó là tư vấn tiếp nhận trẻ vào can thiệp - trị liệu tại trung tâm (với các hình thức can thiệp sớm và trị liệu phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ).
Hoặc tư vấn, định hướng hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện chế độ đối với trẻ và học sinh; tư vấn hỗ trợ giáo viên về chương trình giáo dục cá nhân và các vấn đề liên quan khác trong công tác giảng dạy và giáo dục; tư vấn phụ huynh về tình trạng và những vấn đề của trẻ khi sinh hoạt ở gia đình và khi tham gia học tập ở trường. Bên cạnh đó, trung tâm còn tư vấn phụ huynh về những vấn đề chung của trẻ và định hướng hỗ trợ hòa nhập cho trẻ tại gia đình và tại nơi trẻ đang sinh sống...