Nhiều tác phẩm xuất sắc tạo hiệu ứng xã hội tốt
Tại lễ trao giải, ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho biết ban tổ chức giải đã nhận được gần 100 tác phẩm tham dự giải. Các tác phẩm được thực hiện công phu, nghiêm túc, phản ánh chân thực, toàn diện thực tế, truyền tải những thông điệp ý nghĩa. Đồng thời, số lượng và chất lượng các tác phẩm tham dự giải chứng minh được sự năng động, bản lĩnh của các nhà báo, thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm tâm huyết của các nhà báo đối với giáo dục của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Thanh Tú, Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM, cho biết chất lượng tác phẩm tham gia Giải báo chí viết về giáo dục TP.HCM năm nay khá đồng đều, nhiều tác phẩm xuất sắc tạo hiệu ứng xã hội tốt, gây ấn tượng cho dư luận, mang lại cảm xúc chân thật và suy nghĩ tích cực cho bạn đọc và người làm giáo dục.
Giải báo chí viết về giáo dục TP.HCM vì sự phát triển giáo dục thành phố
Trong số gần 100 tác phẩm dự thi, hội đồng giám khảo đánh giá cao tính nhân văn, sự dấn thân của các nhà báo thể hiện rõ trong từng tác phẩm.
Đồng thời, theo nhà báo Nguyễn Thanh Tú, nội dung nhiều tác phẩm báo chí có tính phản biện và định hướng cho việc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà báo Nguyễn Thanh Tú dẫn ra một số ví dụ như loạt bài Trần ai tìm nơi dạy trẻ tự kỷ (Báo Tuổi Trẻ), Trường học hạnh phúc: Từ góc nhìn quốc tế đến thực tiễn trong nước (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM); loạt bài Học phí đại học tăng cao và sự cần thiết điều chỉnh chính sách tín dụng sinh viên (tác giả Hà Ánh, Báo Thanh Niên)... Theo nhà báo Nguyễn Thanh Tú, tất cả những điều này góp phần xây dựng ngành giáo dục TP.HCM ngày càng phát triển trên bước đường hội nhập.
Chung cuộc, có 25 tác phẩm/loạt bài được trao thưởng với 1 giải nhất, 3 giải nhì, 6 tác phẩm giải ba, 15 tác phẩm đạt giải khuyến khích. Giải nhất được trao cho loạt bài Trần ai tìm nơi dạy trẻ tự kỷ của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Trần Trọng Nhân, Đoàn Thị Nhạn, Dương Thị Liễu (Báo Tuổi Trẻ).
Giải nhì được trao cho về các tác phẩm Đường đến trường của nhóm tác giả Lương Vũ Phong, Trường Giang, Ly Ly, Trần Tú, Minh Tấn, Thọ Tài (Đài truyền hình TP.HCM); Những mặt trái của tự chủ đại học, tác giả Võ Thanh Hùng (Báo Sài Gòn Giải Phóng); loạt bài Trường học hạnh phúc từ góc nhìn quốc tế đến thực tiễn trong nước của nhóm tác giả Phan Tuyết Nhung, Huỳnh Thị Thùy Linh (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM).
Báo Thanh Niên có hai loạt bài được trao giải khuyến khích Giải báo chí viết về giáo dục TP.HCM. Đó loạt bài Hàng trăm trường học tại TP.HCM "vướng" căn tin, bếp ăn, bãi xe (tác giả Thúy Hằng) và loạt bài Học phí đại học tăng cao và sự cần thiết điều chỉnh chính sách tín dụng sinh viên (tác giả Hà Ánh).