XẾP THỨ 5 TRONG 6 VÙNG VỀ CHỈ SỐ GIÁO DỤC
Tây nguyên là một trong 6 vùng KT-XH gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Quy mô dân số chiếm 6,1% dân số cả nước với 53 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị giáo dục Tây nguyên tháng 3.2023, trong giai đoạn 2011 - 2022, hệ thống mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, hầu hết các xã đã có trường tiểu học, THCS, các huyện đều có trường THPT. Nhiều địa phương đã xây dựng trường THCS, THPT liên xã. Hiện toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Tỷ lệ học sinh (HS) đi học đúng độ tuổi ở cả 3 cấp học phổ thông tương đương so với mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học dạy 2 buổi/ngày đạt 94,1%; Tỷ lệ cơ sở giáo dục THCS dạy 2 buổi/ngày đạt 84%, tăng gần gấp đôi so với cách đây 10 năm.
Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người theo tháng của vùng Tây nguyên khá thấp, đạt 3,282 triệu đồng, đứng thứ 5 trong 6 vùng.
Về giáo dục, một số chỉ số giáo dục và bình quân trung bình điểm thi (TBĐT) tốt nghiệp THPT 5 năm (2020 - 2024) của vùng Tây nguyên đạt thấp, xếp thứ 5 trong 6 vùng, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
KẾT QUẢ THI TỐT NGHIỆP THPT GIẢM HẠNG
Từ số liệu công bố của Bộ GD-ĐT về TBĐT tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024, chúng tôi sắp xếp từ điểm cao đến thấp, xếp thứ hạng trong toàn quốc. Kết quả TBĐT của các tỉnh Tây nguyên được thể hiện bảng sau (năm 2020 do dịch Covid-19, nhiều HS Đắk Lắk phải dự thi lần 2 nên không xếp hạng).
Ngữ văn và toán là 2 môn thi bắt buộc đối với kỳ thi tốt nghiệp năm 2025. Vì vậy, việc biết được chất lượng 2 môn này năm 2024 mỗi địa phương là rất cần thiết. Kết quả điểm môn ngữ văn và toán năm 2024 cho thấy, Lâm Đồng có kết quả tốt nhất, trong đó ngữ văn 6,96 điểm xếp thứ 32 và toán là 6,52 điểm, xếp thứ 21. Các tỉnh còn lại có thứ hạng điểm ngữ văn và toán có vị thứ từ 41 trở lên.
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC THPT: KHÓ CHỒNG KHÓ
Giáo dục phổ thông nói chung và THPT của các tỉnh Tây nguyên đã khó lại chồng khó. Trước hết, đây là vùng miền núi có nhiều địa hình chia cắt bởi sông và suối lớn. Tỷ lệ HS người dân tộc thiểu số khá lớn. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2020 - 2021 có gần 40% HS dân tộc thiểu số trong tổng số HS của vùng (459.654 em trong tổng số 1.221.784 HS). Đa số HS dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi học ngữ văn, toán và ngoại ngữ, một số HS không theo kịp tiến độ học tập chung đã bỏ học. Trong năm học 2023 - 2024, chỉ tính riêng TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có 113 HS THCS của TP bỏ học do học lực yếu. Một số tỉnh thực hiện xét tuyển vào THPT nhiều năm dẫn đến HS THCS thiếu động lực học tập.
Thứ hai, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Tây nguyên gặp nhiều khó khăn so với vùng khác, do thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thiếu giáo viên (GV) giảng dạy các môn học mới, thiếu GV giỏi, có khả năng đổi mới sáng tạo. Vẫn còn không ít GV năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Mới đây qua rà soát, Phòng Giáo dục H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết trên địa bàn có 17 GV yếu kém về năng lực chuyên môn; không đảm nhiệm được việc giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột, thẳng thắn cho rằng: "Một bộ phận cán bộ quản lý, GV chưa tâm huyết với nghề, chưa trăn trở, chưa có sự lo lắng, làm cách nào để nâng cao chất lượng giáo dục. Nếu chúng ta không đổi mới, chất lượng giáo dục sẽ cứ bình bình, thậm chí có những trường sẽ đi xuống".
Thứ ba, HS lớp 12 năm học 2024 - 2025 là lứa HS lớp 8 năm 2020 - 2021 và lớp 9 năm 2021 - 2022. Đây là 2 năm dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng toàn quốc, các trường học phải đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến. Do điều kiện HS miền núi khó khăn, thiếu thiết bị học tập nên chất lượng giáo dục của HS lớp 8 năm học 2020 - 2021 và lớp 9 năm 2021 - 2022 bị ảnh hưởng lớn.
Thứ tư, chất lượng đầu vào THPT của một số địa phương còn thấp. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 của Đắk Lắk đã bộc lộ rõ, nhiều HS có điểm thi dưới 5, dẫn đến điểm chuẩn thấp, có trường từ 3 - 6 điểm/3 môn; trung bình 1 điểm/môn có thể trúng tuyển. Các trường thực hiện xét tuyển điểm chuẩn cũng thấp, nhưng tuyển không đủ, phải hạ chuẩn…
GIẢI PHÁP DẠY VÀ HỌC, ÔN THI TỐT NGHIỆP HIỆU QUẢ
Từ những khó khăn chồng chất nêu trên, dự báo kết quả thi THPT năm 2025 của vùng Tây nguyên sẽ giảm hơn nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Trước hết, từng trường THPT, tùy theo điều kiện của mình, tổ chức sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng và dạng cấu trúc đề thi THPT mà Bộ GD-ĐT đã công bố, trước hết là 2 môn toán, ngữ văn. Tăng cường giáo dục hướng nghiệp để HS chọn môn thi phù hợp.
Khảo sát nguyện vọng đăng ký 2 môn tự chọn trong thi tốt nghiệp, phân chia lớp học và ôn thi tốt nghiệp hợp lý. Nếu lựa chọn môn thi quá lệch (môn nhiều HS chọn, môn không có), cần tư vấn để HS lựa chọn hợp lý hơn. Các tổ chuyên môn xây dựng ngân hàng đề thi của trường. Phân công GV bám sát và kèm cặp HS học tập theo từng lớp.
Sở GD-ĐT các tỉnh trong vùng có giải pháp trường giúp trường. Sở có thể điều động một số GV giảng dạy tốt, có kinh nghiệm ôn thi đến hỗ trợ các trường khó khăn; chủ trì xây dựng ngân hàng đề thi theo cấu trúc mới của Bộ GD-ĐT để dùng chung. Sở GD-ĐT tiến hành ra đề thi học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 12 chung toàn tỉnh theo định dạng cấu trúc mới để đánh giá chất lượng THPT và tập dượt mô hình tổ chức thi mới.
Nhà nước, chính quyền các cấp có giải pháp đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng đủ GV và nâng cao đời sống vật chất, động viên tinh thần của thầy và trò để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.