THIẾU NHẤT QUÁN VỀ CHƯƠNG TRÌNH TỪ TƯ LỆNH NGÀNH?
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết bà thích Chương trình GDPT 2018, bởi sự nhân văn cũng như tính linh hoạt, tính "mở" của chương trình khi áp dụng ở các địa phương khác nhau. Bà cho rằng để chương trình vận hành đúng như ý những nhà chuyên môn thì phải cần có lộ trình, thời gian.
Hiệu trưởng này nhìn nhận những ồn ào của dư luận thời gian qua về Chương trình GDPT 2018 vì "thiếu những tuyên truyền cần thiết về chương trình, thiếu những nhất quán về chương trình từ tư lệnh ngành". "Chúng ta cần một lộ trình rõ ràng, bởi đây là một chương trình quốc gia, cần đặt ra mục tiêu, sau 5 năm, sau 10 năm thì đạt được mục tiêu gì, những bất cập còn tồn tại là gì. Cái gì sai cần phải thẳng thắn nhìn nhận, xin lỗi và sửa đổi", vị hiệu trưởng này thẳng thắn.
LÝ TƯỞNG LÀ HS ĐƯỢC THỤ HƯỞNG, KHÔNG PHẢI TRẢ PHÍ
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ (TS) giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cho các trường ngoài công lập ở VN, thẳng thắn cho rằng đối với Chương trình GDPT 2018, phải thừa nhận rằng mục tiêu của chúng ta kỳ vọng lớn, trong đó là một chương trình cung cấp toàn diện. Tuy nhiên, phải xem xét nguồn lực thực tế, trong hệ thống giáo dục công hiện nay của VN. Đồng thời, cũng không thể so sánh về thực trạng ở VN so với các quốc gia phát triển có tiềm lực tài chính lớn ở hệ thống giáo dục công của họ. Nguồn lực ở đây là tài chính và nhân sự, giáo viên (GV).
"Khi chúng ta triển khai các hoạt động bổ trợ ở các địa phương về năng lực, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng… cho HS, về nguyên tắc nếu đây là mong muốn từ Chương trình GDPT 2018 thì các hoạt động bổ trợ này sẽ phải nằm trong chương trình giáo dục của nhà trường mà HS được thụ hưởng mà không phải chi trả thêm phí. Đó là một điều kiện lý tưởng. Tuy nhiên thực tế hiện nay rõ ràng là cả về ngân sách nhà nước, nguồn lực con người rõ ràng chưa đủ. Trình độ GV tiếng Anh, GV tin học, năng lực để thực hiện các hoạt động ôn tập kỹ năng, năng khiếu… bổ trợ cho HS trong hệ thống công ở các địa phương đều không đáp ứng được. Chính vì thế nên nhà trường phải liên kết với các đơn vị bên ngoài", TS Huyền phân tích.
Bài toán đặt ra là làm sao để tổ chức các hoạt động bổ trợ này mà không gây mâu thuẫn, bức xúc trong phụ huynh. TS Huyền đề xuất:
Thứ nhất, phải xem xét nguồn lực của nhà trường, nếu chưa thể cung cấp được đủ các hoạt động bổ trợ thì chưa thực hiện. Thứ hai, trong trường hợp thực hiện, thì phải có đồng thuận của tất cả HS, hoặc một số đủ lớn phụ huynh. Nhà trường phải có khả năng sắp xếp tổ chức các hoạt động giáo dục thay thế cho HS không tham gia, nếu các hoạt động này nằm trong thời gian các em học trong ngày. Lý tưởng nhất là các môn học bổ trợ sẽ diễn ra vào cuối giờ, HS nếu không tham gia thì phụ huynh có thể đón con về sớm.
Đáng chú ý, TS Huyền nhấn mạnh: "Nếu nhà trường tổ chức các hoạt động bổ trợ, chương trình nhà trường xen kẽ trong thời khóa biểu đi học của HS, nếu phụ huynh không đăng ký học cho con, vì không có nhu cầu hoặc không có năng lực tài chính thì nhà trường phải có trách nhiệm sắp xếp các hoạt động giáo dục có chủ đích, để phụ huynh HS có thể lựa chọn. Tôi nhấn mạnh ở đây là hoạt động giáo dục có chủ đích, chứ không phải là để HS ngồi chơi, ngồi ở phòng hội đồng hay vào thư viện đọc sách mà không được hướng dẫn gì thêm, điều này không hợp lý".
SỰ LỰA CHỌN CỦA MỖI TRƯỜNG HỌC
Vậy Chương trình GDPT 2018 có đi đúng đường hay khi áp dụng vào thực tế còn "méo mó", "mỗi nơi mỗi kiểu" vì thiếu hụt cơ sở vật chất, và được chèn vào các chương trình bổ trợ? TS Trần Thị Quỳnh Nga, giảng viên chính, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, nói: "Bất kỳ chương trình hay chiến lược giáo dục nào cũng đều đòi hỏi phải có những điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng, trước hết trên quan điểm kế thừa những thành tựu đã đạt được, với những điều kiện cơ bản sẵn có. Trong bối cảnh Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đa dạng hóa các mô hình giáo dục, như giáo dục trải nghiệm, vận dụng học thông qua chơi, vận dụng STEM, STEAM vào dạy học các môn học… thì cần thiết phải cải thiện, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập huấn kỹ năng một cách chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV".
"Từ góc độ chuyên môn, chúng tôi không bàn luận về một số vấn đề liên quan đến các "hoạt động liên kết" được "bổ sung" vào thời khóa biểu của HS. Song tôi cho rằng đó là sự lựa chọn của các trường học, cũng là nỗ lực để đa dạng hóa mô hình dạy học, giáo dục. Có chăng, vấn đề nằm ở kế hoạch, kỹ năng tổ chức, về mức độ phù hợp của các hoạt động rèn kỹ năng với điều kiện thực tế và nhu cầu, hứng thú của HS. Nếu các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu đúng đắn được chuyển tải đầy đủ đến cha mẹ HS, được kiến giải rõ ràng, minh bạch thì chắc chắn các trường học sẽ có được sự đồng thuận cao của phụ huynh", TS Nga thẳng thắn.
Phụ huynh muốn minh bạch
Anh Việt Đức (phụ huynh HS, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: "Chúng tôi sẵn sàng đóng thêm tiền để con được học các môn học bổ ích. Điều này cũng giúp con có môi trường an toàn, khi phụ huynh không thể đón con tan học sớm. Điều tôi cần là sự minh bạch về thông tin chương trình, tính hiệu quả của các môn học bổ trợ. Tôi nghĩ trường công hoàn toàn có thể tổ chức những "Open Day", những hoạt động tương tự ngày hội với các gian hàng để tất cả phụ huynh có thể tham gia, hỏi - đáp với các thầy cô về các môn học, hoạt động mà phụ huynh có thể đăng ký cho con em mình".
Quy định xây dựng thời khóa biểu "chương trình nhà trường"
Một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc tiểu học, 100% HS được học 2 buổi/ngày để được rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực theo đúng mục tiêu mà chương trình đề ra. Trong đó, ngoài việc thực hiện đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ GD-ĐT quy định, nhà trường được tổ chức thiết kế các nội dung, hoạt động giáo dục thuộc chương trình nhà trường để hỗ trợ tốt nhất cho chương trình giáo dục quốc gia cũng như hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực HS theo mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục toàn diện HS.
Chương trình nhà trường ở bậc tiểu học năm học 2024 - 2025 tại TP.HCM bao gồm: dạy học ngoại ngữ (ngoại ngữ tăng cường, dạy giao tiếp với người nước ngoài; dạy học ngoại ngữ qua toán và khoa học); giáo dục STEM; rèn luyện kỹ năng sống và các loại hình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; tổ chức hoạt động dạy học tin học tăng cường theo chuẩn quốc tế và giáo dục kỹ năng công dân số.
Chương trình nhà trường sẽ được thiết kế với đặc thù riêng khác nhau, phù hợp với đặc thù của nhà trường. Các trường được chủ động xây dựng thời khóa biểu, có thể đưa các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường vào buổi sáng hoặc buổi chiều phải đảm bảo quy định về số tiết/ngày, không gây quá tải cho HS, GV.
Khi xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình nhà trường, hiệu trưởng phải thông tin, công khai đầy đủ tới phụ huynh HS ngay từ đầu năm học để phụ huynh hiểu và đồng thuận.