Hai nhà nghiên cứu bán dẫn hàng đầu thế giới nói về cơ hội của Việt Nam

06:03 - 21/04/2024

Hai nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu chip bán dẫn chia sẻ suy nghĩ về cơ hội phát triển nền công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam.

Mới đây, hai nhà khoa học hàng đầu thế giới về nghiên cứu chip bán dẫn, GS Park Inkyu và GS Lee Young Hee, sang Việt Nam theo lời mời của Quỹ VinFuture, để tham gia chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect năm 2024.

GS Park Inkyu là GS chủ nhiệm tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), còn GS Lee Young Hee là Viện sĩ tại KAST và là Giám đốc Trung tâm Vật lý cấu trúc nano tích hợp (CINAP) tại Đại học Sungkyunkwan (SKKU). Trao đổi với báo giới Việt Nam, các GS đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về cơ hội phát triển nền công nghiệp chip bán dẫn ở Việt Nam.

Tập trung nghiên cứu thiết bị bán dẫn cho xử lý AI và bộ xử lý đồ họa

Theo GS Park, trong chuyến sang Hà Nội lần này, ông muốn chia sẻ với các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp ở Việt Nam mối bận tâm của ông về việc đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho con người trong bối cảnh một đất nước có rất nhiều phương tiện giao thông như Việt Nam.

Hai nhà nghiên cứu bán dẫn hàng đầu thế giới nói về cơ hội của Việt Nam

Theo GS Park Inkyu, 2 lĩnh vực tiềm năng nhất là thiết bị bán dẫn cho xử lý AI và GPU (bộ xử lý đồ họa) với tốc độ và bộ nhớ dung lượng cao

THANH LÂM

Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện. Trong quá trình sản xuất ô tô điện, nhà đầu tư và các nhà khoa học rất cần quan tâm sự an toàn cho hệ thống năng lượng điện, quan tâm đến các loại cảm biến để theo dõi xe điện. Việc giám sát pin là rất quan trọng bởi pin có thể xảy ra hiện tượng thoát nhiệt (thermal runaway) dẫn đến cháy nổ. Để ngăn chặn hiện tượng này, cần có thiết bị phát hiện khí độc từ pin.

Ngoài ra, phương tiện giao thông chủ yếu ở Việt Nam là xe máy, loại phương tiện thải ra rất nhiều khí thải. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng không khí là rất quan trọng. Người dân sẽ quan tâm đến việc theo dõi và kiểm soát chất lượng không khí.

"Cảm biến khí có thể được tích hợp vào điện thoại di động hoặc các thiết bị đeo để nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ cho người lao động trong các ngành công nghiệp mà còn cho những người dân bình thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày", GS Park gợi ý.

GS Park cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia "đi sau" thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển nền công nghiệp bán dẫn. Yếu tố này sẽ là một thuận lợi nếu Việt Nam nắm bắt và tận dụng được xu hướng phát triển công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

"Hiện nay, có nhiều xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng tôi tin rằng 2 lĩnh vực tiềm năng nhất là thiết bị bán dẫn cho xử lý AI và GPU (bộ xử lý đồ họa) với tốc độ và bộ nhớ dung lượng cao", GS Park nói.

GS Park giải thích thêm: "Nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tăng nhanh chóng, đòi hỏi cần có những thiết bị bán dẫn chuyên dụng để xử lý các thuật toán AI.

Việc xử lý dữ liệu lớn (big data) và học máy (machine learning) ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, sản xuất..., đòi hỏi cần có các GPU có hiệu suất tính toán cao hơn và bộ nhớ dung lượng lớn để lưu trữ và truy cập dữ liệu nhanh chóng.

Đây cũng thực sự là những xu hướng rất quan trọng trong ngành công nghiệp chất bán dẫn Hàn Quốc. Tôi tin rằng đây là những lĩnh vực mà Việt Nam nên tập trung nghiên cứu và đầu tư để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai".

Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực

Còn GS Lee Young Hee thẳng thắn bày tỏ, sau khi theo dõi và tìm hiểu về ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian qua, ông nhận thấy, để xây dựng và phát triển nền công nghiệp mới này, Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực.

"Chia sẻ đó rút ra từ chính kinh nghiệm ở đất nước tôi, vì Hàn Quốc được xem là một trong những điển hình cho quá trình phát triển ngành bán dẫn. Chúng tôi đã dành rất nhiều năm để đầu tư nghiên cứu, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Do đó, tôi nghĩ rằng việc đầu tiên Việt Nam nên làm là tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn".

Hai nhà nghiên cứu bán dẫn hàng đầu thế giới nói về cơ hội của Việt Nam

GS Lee Young Hee giảng bài trong sự kiện InnovaConnect năm 2024 đầu tiên, tại Đại học Bách khoa Hà Nội

THANH LÂM

Theo GS Lee, để nâng cao chất lượng đào tạo, Việt Nam cần có sự đầu tư mạnh mẽ từ phía Chính phủ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và trang bị thiết bị hiện đại cho các trường đại học. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

GS Lee Young Hee cho biết, hiện nay, công nghệ silicon đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng công nghệ này đang dần tiến đến giới hạn cơ bản. Vì vậy, việc tìm kiếm những công nghệ mới thay thế silicon là vô cùng quan trọng. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn, như Hàn Quốc.

Nếu vẫn cứ nối tiếp công nghệ silicon sẽ không giúp Việt Nam đạt được lợi thế cạnh tranh. Thay vào đó, cần tập trung phát triển những công nghệ mới, đột phá hơn, tập trung vào việc phát triển các vật liệu mới và cải thiện hiệu suất thiết bị để có thể cạnh tranh trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực điện toán lượng tử.

GS Lee nói: "Về yếu tố then chốt cho sự thành công của Việt Nam, tôi cho rằng đó là nguồn nhân lực chất lượng cao và văn hóa làm việc chăm chỉ, sáng tạo. Tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên Việt Nam và thực sự ấn tượng với tinh thần cầu tiến và sự cống hiến của họ. Đây là một lợi thế lớn mà Việt Nam cần phát huy để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần bổ sung những cơ sở hạ tầng cần thiết, bao gồm cả thiếu hụt về nhân lực trình độ cao và trang thiết bị hiện đại".

InnovaConnect là sáng kiến mới nhất của Quỹ VinFuture. Điểm đặc biệt của chuỗi sự kiện InnovaConnect là các cuộc thảo luận hợp tác và hội thảo khoa học chuyên môn sâu sẽ được tổ chức trực tiếp ngay tại Việt Nam với sự tham gia của các GS, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam.

Dự kiến trong năm 2024, Quỹ VinFuture sẽ phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam để tổ chức 3 sự kiện InnovaConnect.

InnovaConnect đầu tiên vừa diễn ra trong tuần này, với đối tác đồng tổ chức là Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm nhấn của sự kiện là tọa đàm khoa học với chủ đề "Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững" mà GS Lee Young Hee và GS Park Inkyu là 2 trong số 3 diễn giả.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Không gian lạ - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...