Liễn đối để truyền được ý nghĩa tới con cháu cần có sự khai mở, truyền dạy. Đây chính là sự trao truyền các giá trị truyền thống để con cháu thực hiện giữ gìn nền nếp, gia phong.
Cách đây không lâu, tôi có dịp được về dự lễ tân gia của một gia đình ở ngã tư Gạch, thị trấn Phúc Thọ, TP Hà Nội. Trong bữa tiệc, điều mà gia chủ tâm đắc khoe với mọi người không phải là ngôi nhà lớn thế nào, xây dựng kỳ công ra sao, mà chính là việc họ chọn được câu liễn đối ý nghĩa: “Gia an đắc phúc - Hòa khí sinh tài”. Liễn đối được chạm khắc tinh xảo, treo trang trọng 2 bên ban thờ, chính giữa gian nhà.
Anh Hoàng Văn Nguyễn, chủ gia đình cho biết, gia đình anh coi liễn đối như “bảo vật” bởi nó gắn với lịch sử ngôi nhà, chứng giám dòng chảy cuộc sống gia đình, dòng tộc, liễn đối cũng là lời răn dậy các thành viên trong gia đình. Gia đình an vui khắc có phúc - giữ được sự hòa hợp, vui vẻ thì tài sản sinh sôi nảy nở. Mà tài sản không chỉ là tiền bạc, của cải, mà là trí tuệ, tài năng.
Theo anh Nguyễn, cuộc sống ngày bận rộn, nhiều phong tục, tập quán xưa ở làng quê đã được giản lược, tuy nhiên, nếp nhà vẫn được bảo tồn, gìn giữ qua các thế hệ. Con cháu dòng họ dù công tác ở đâu xa xôi, có dịp giỗ tết, hội làng… vẫn quần tụ, ôn lại chuyện gia đình, họ mạc, cũng là dịp để mọi người cầu chúc sức khỏe, những điều may mắn đến với các thành viên trong gia đình, giáo dục con cháu hiếu đễ, phép tắc gia phong, biết trân quý và phát huy những gì cha ông đã xây đắp.
Anh Nguyễn cũng cho biết, tuy không nhiều gia đình còn giữ được tục treo liễn đỗi, nhất là ở các đô thị, toà chung cư, nhưng xu hướng thiết kế nhà theo lối truyền thống (3 gian, 2 chái), treo liễn đối và nếp nhà truyền thống xuất hiện trở lại ngày càng nhiều ở các vùng quê. Trong đó có không ít những người giàu có “bỏ phố về làng”, tạo nên những cộng đồng dân cư văn minh nhưng đậm đà bản sắc truyền thống Việt.
Theo nhà văn Lê Duy Nghĩa, liễn đối (hay đối liễn) là cách gọi chệch của từ “Liên đối”, là hai câu đối (chữ đối chữ, nghĩa đối nghĩa) thường được treo trang trọng nơi hai vị trí đối xứng trong nhà, trong các đền thờ, hay nơi cổng tam quan.
Về gia phong, liễn đối thường dùng chiết tự để ghi nhớ cội nguồn, địa danh và nhắc nhở con cháu về đạo lý.
Ông Nghĩa dẫn ví dụ câu đối, đại tự của nhà ông: Đại tự: Tài giả bồi. Nghĩa là có tài, giàu có phải bồi đắp mới bền vững.
Câu đối 1: Tổ triệu tôn bồi xưng bắc quốc. Nghĩa là: ổng tổ nhà này xưng là người phương bắc.
Cấu đối 2: Phụ truyền tử kế bản nam nhân. Nghĩa là: cha truyền con nối là người nước nam.
Câu đối này răn dạy cháu con về gốc của dòng họ. Vì cụ tổ nhà ông là con vua Lê Dụ Tông, các cụ nổi dậy chống lại cường quyền 32 năm. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Các cụ chạy khắp nơi và tự nhận là người phương Bắc để trốn. Nhưng lại dặn con cháu như vậy.
Thực tế, các câu liễn đối đều có ý nghĩa rất sâu sắc, sử dụng như những lời đúc kết giáo dục con cháu. Ví dụ như: “Bách kế bất như nhân đức thiện/ Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền”.
Nghĩa là: Trăm chước chẳng bằng nhân đức tốt - Nghìn vàng khó sánh cháu con hiền.
Hay như: “Nhẫn nhi hòa, trị gia thương sách - Cần dữ kiên, sáng nghiệp lương đồ”, nghĩa là: Dùng nhẫn và hòa để gia đình trong ấm ngoài êm - Cần cù và tiết kiệm giúp con cháu thành công trong con đường sự nghiệp”…
Thực tế, các câu liễn đối đều có ý nghĩa rất sâu sắc. Tuy nhiên, do cách dùng tiếng Hán – Nôm nên không phải ai cũng hiểu hết những điều cha ông dạy, nhất là những đứa trẻ, nhưng lâu dần, qua các chỉ dẫn của người lớn trong nhà, những thông điệp ấy dần thấm. Vì vậy, liễn đối để truyền được ý nghĩa tới con cháu cần có sự khai mở, truyền dạy. Đó cũng chính là sự trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong, đạo nhà.
Như cụ Đồ Chiểu xưa từng răn dạy sâu sắc: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Không chỉ là nếp nhà (gia phong), “đạo nhà”, rộng hơn là “đạo Tổ quốc”, là đạo lý, phép tắc quốc gia. “Ông cha” là tổ tiên, là lịch sử… Đó là những giá trị đạo đức truyền thống, mà liễn đối – trải qua chiều dài lịch sử, như một cầu nối, cách thức cách răn dạy, giáo dục con cháu gìn giữ nếp nhà và những giá trị quý giá của gia phong.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...