Tại chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Những thông tin mới về tuyển sinh 2024" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 19.4, đại diện các trường ĐH đã có rất nhiều lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển sớm cũng như xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, chia sẻ từ đầu năm 2024, nhiều trường ĐH đã thông báo về việc xét tuyển sớm. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 10.7 các trường ĐH phải công bố kết quả xét tuyển sớm và đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.
Thí cần cần lưu ý các cột mốc:
- Từ ngày 18-30.7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống.
- Ngày 21.7, Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và sư phạm.
- Ngày 22.7 các trường đào tạo sức khỏe và sư phạm sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này.
- Từ ngày 31.7-6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển.
- Trước 17 giờ ngày 19.8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn.
- Từ ngày 19-27.8, thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống.
Theo tiến sĩ Hải, so với năm 2023, năm nay quy trình xét tuyển rút ngắn được 8 ngày và tân sinh viên sẽ nhập học sớm hơn.
"Trong quá trình xét tuyển trên hệ thống, thí sinh phải làm đầy đủ tất cả các bước. Khoảng 1-2 ngày sau khi đăng ký, thí sinh nên đăng nhập vào hệ thống, kiểm tra thông tin mình đăng ký đã chính xác hay chưa. Nếu thí sinh không nộp lệ phí xét tuyển thì được xem là như chấm dứt việc xét tuyển hoặc nếu trúng tuyển mà không xác nhận trên hệ thống xem như không trúng tuyển", tiến sĩ Hải lưu ý.
Có được nộp hồ sơ khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống đăng ký xét tuyển?
Một câu hỏi đặt ra là khi Bộ GD-ĐT mở hệ thống đăng ký xét tuyển, thí sinh có được tiếp tục nộp hồ sơ xét điểm học bạ hay điểm thi đánh giá năng lực nữa hay không?
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, nhận định: "Các em nên tận dụng xét tuyển sớm bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng ngay từ bây giờ vì đến ngày 10.7 tất cả các trường kết thúc xét tuyển sớm và công bố danh sách trúng tuyển lên hệ thống. Khi Bộ GD-ĐT đã mở hệ thống xét tuyển, các em không còn cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển sớm nữa".
"Ở giai đoạn xét tuyển sớm, các em có thể trúng tuyển vào hàng chục trường nhưng khi đăng ký lên hệ thống, chỉ cần chọn ngành học ở trường mà mình yêu thích nhất để đăng ký làm nguyện vọng 1, đồng thời đăng ký các nguyện vọng tiếp theo", tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý.
Với những thí sinh muốn dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, tiến sĩ Hải khuyên vẫn nên đặt ngành học đã trúng tuyển sớm làm nguyện vọng tiếp theo để nếu không trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì vẫn còn cơ hội trúng tuyển chính thức bằng phương thức xét tuyển sớm trước đó.
Về xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhấn mạnh thí sinh nên tham khảo thông tin các ngành, các trường mình mong muốn để có danh sách tối ưu, từ đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên một cách khoa học. "Các em nên có phương án dự phòng, khi đăng ký thì mỗi nhóm ưu tiên nên để một ngành của 2-3 hoặc nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển chứ không nên chỉ đặt nguyện vọng duy nhất", tiến sĩ Trường chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức lưu ý thêm, có 2 cột mốc thời gian mà thí sinh cần nhớ: đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 18-30.7 và đóng lệ phí xét tuyển từ ngày 31.7-6.8.
"Thời điểm này các trường đã tiến hành công bố đề án tuyển sinh, các em cần nghiên cứu để chọn được ngành nghề, trường phù hợp. Mỗi ngành có nhiều phương thức tuyển sinh nên các em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển", thạc sĩ Thư nói.