Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
NHỮNG NGÀNH NHIỀU THÍ SINH ĐĂNG KÝ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết năm nay trường có 6 phương thức xét tuyển. Hiện trường vừa có thông báo về việc nhận hồ sơ cho 5 phương thức xét tuyển sớm từ ngày 22.4 (trừ phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, thí sinh (TS) cần lưu ý thời gian xét tuyển sớm từng phương thức sẽ không giống nhau.
Về sự cạnh tranh giữa các ngành, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết thực tế tuyển sinh các năm cho thấy hai ngành marketing và kinh doanh quốc tế luôn "hot" nhất trường. "Tuy nhiên, TS quan tâm tới những ngành "hot" của trường có thể tìm hiểu lựa chọn ngành học ở các chương trình khác nhau như: chương trình chuẩn, chương trình tích hợp, chương trình tiếng Anh toàn phần, chương trình quốc tế", thạc sĩ Phụng lưu ý.
Trong khi đó, một số trường ĐH khác đã hoàn tất những đợt xét tuyển sớm đầu tiên, ví dụ Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh nhà trường, cho biết các phương thức xét tuyển sớm của trường dựa vào học bạ THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM… Từ đợt 1 xét tuyển sớm dựa vào học bạ, thạc sĩ Trắng cho biết các nhóm ngành thu hút TS đăng ký xét tuyển nhiều năm như: quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, khoa học máy tính. Nhưng trong năm nay, một số ngành mới cũng khá thu hút TS quan tâm như: Đông phương học, Nhật Bản học, truyền thông đa phương tiện…
Tương tự, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho hay đã kết thúc nhận hồ sơ xét dựa vào học bạ 3 đợt đầu tiên và đợt 4 dự kiến nhận đến ngày 27.4. Sau 4 đợt nhận hồ sơ xét có thể thấy nhóm ngành có nhiều TS quan tâm là khoa học sức khỏe. Bên cạnh đó, các ngành khác cũng khá hút TS như: quản trị kinh doanh, marketing, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, tâm lý học… Năm nay, trường có các ngành học mới: thú y, thiết kế thời trang…
Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng thông tin: "Thông qua hồ sơ xét tuyển của TS phản ánh phần nào sự lựa chọn ngành nghề của giới trẻ hiện nay. Các ngành đều có TS quan tâm khá đồng đều, nhưng nổi bật hơn có thể kể đến các nhóm ngành: công nghệ thông tin và máy tính, kinh doanh, marketing, truyền thông, thú y…".
Cần đặt đúng thứ tự ưu tiên
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết Bộ GD-ĐT đã công bố kế hoạch thi tốt nghiệp THPT và kế hoạch tuyển sinh chính thức năm nay. Theo kế hoạch tuyển sinh này, tất cả thao tác đăng ký xét tuyển TS đều thực hiện trực tuyến trên cổng của Bộ GD-ĐT.
Tiến sĩ Hải đặc biệt lưu ý đến 12 ngày "vàng" trong giai đoạn xét tuyển năm nay. Khoảng thời gian này được bắt đầu từ ngày 18.7 và kết thúc vào 30.7, là thời gian TS thực hiện đăng ký, bổ sung, điều chỉnh nguyện vọng chính thức trên hệ thống Bộ GD-ĐT. Trong giai đoạn này, TS đăng ký vào khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên lưu ý thêm thời điểm Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm sàn trước 17 giờ ngày 21.7 và trên cơ sở này các trường ĐH công bố điểm sàn xét tuyển các ngành ở từng trường.
"Nhưng sau giai đoạn đăng ký nguyện vọng, TS cần lưu ý thực hiện nộp lệ phí xét tuyển từ ngày 31.7 - 6.8 để hoàn tất việc đăng ký. Thêm một việc nữa quan trọng không kém TS cần làm là tiến hành xác nhận nhập học sau khi trường công bố kết quả trúng tuyển", tiến sĩ Hải nói thêm.
Lưu ý thêm về quá trình đăng ký 12 ngày này, tiến sĩ Thanh Hải cho biết từ năm 2023 một thay đổi căn bản là TS không cần đăng ký phương thức và tổ hợp xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. TS chỉ cần đăng ký ngành, mã ngành, mã trường, tên trường và phần mềm sẽ tự động lọc kết quả dữ liệu phù hợp và ưu việt nhất tới TS.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức, ngoài việc ôn tập cho kỳ thi sắp tới nên dành thời gian tìm hiểu thêm đề án tuyển sinh các trường. Trong số hơn 20 phương thức tuyển sinh, mỗi ngành ở mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển, ngay trong cùng một phương thức nhưng các trường có những quy định riêng.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng lưu ý thêm TS về việc xác định danh sách các nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống của Bộ. Một danh sách tối ưu là danh sách được đặt đúng theo trật tự để giúp TS có thể trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường yêu thích nhất. Muốn vậy, theo tiến sĩ Trường, TS cần phải có sự tính toán khoa học, cân nhắc kỹ lưỡng và tham khảo nhiều thông tin. Trong đó, có thể đăng ký nguyện vọng theo 3 mức cao, vừa và thấp hơn so với khả năng của bản thân để đảm bảo cơ hội trúng tuyển cao. "Quan trọng nhất là trật tự các nguyện vọng trong danh sách", tiến sĩ Trường nhấn mạnh.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng lưu ý thời điểm cuối cùng của giai đoạn xét tuyển sớm theo quy định chung năm nay sẽ vào ngày 10.7. Sau thời điểm này khi các trường tải dữ liệu TS đủ điều kiện trúng tuyển phương thức sớm lên hệ thống xét tuyển chung, TS không còn cơ hội tham gia các phương thức xét tuyển sớm của các trường. Nêu ví dụ từ Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, thạc sĩ Nguyên cho biết trường đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm dựa vào học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, điểm sàn xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm và phương thức xét học bạ từ 18 điểm.
Trong khi đó, từ thực tế tuyển sinh các năm trước, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng TS thường có những nhầm lẫn diện ưu tiên xét tuyển trong phương thức 2 với diện ưu tiên tuyển sinh khu vực và đối tượng theo quy chế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển của TS khi trong giai đoạn nhập học không có minh chứng để hưởng điểm ưu tiên.
Ở giai đoạn xét tuyển sớm, các em có thể trúng tuyển vào hàng chục trường nhưng khi đăng ký lên hệ thống, chỉ cần chọn ngành học ở trường mà mình yêu thích nhất để đăng ký làm nguyện vọng 1, đồng thời đăng ký các nguyện vọng tiếp theo.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)
Các em nên tận dụng xét tuyển sớm bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng ngay từ bây giờ vì đến ngày 10.7 tất cả các trường kết thúc xét tuyển sớm và công bố danh sách trúng tuyển lên hệ thống. Khi Bộ GD-ĐT đã mở hệ thống xét tuyển, các em không còn cơ hội nộp hồ sơ xét tuyển sớm nữa.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM)
Các em nên có phương án dự phòng, khi đăng ký thì mỗi nhóm ưu tiên nên để một ngành của 2 - 3 hoặc nhiều trường khác nhau nhằm tăng cơ hội trúng tuyển chứ không nên chỉ đặt nguyện vọng duy nhất.
Tiến sĩ Lê Xuân Trường (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM)
Thời điểm này các trường đã tiến hành công bố đề án tuyển sinh, các em cần nghiên cứu để chọn được ngành nghề, trường phù hợp. Mỗi ngành có nhiều phương thức tuyển sinh nên các em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư (đại diện Trường ĐH Việt Đức)