Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, nước sông Hồng dâng cao, khiến vườn phật thủ nhà anh Dũng thiệt hại nặng nề, gần như mất trắng. "Ngập lụt làm hoa, quả cây phật thủ hỏng hết. Cành thì khô, qua ngập thì tôi thấy nó bật được mầm thôi, cũng chưa biết liệu có sống được không", anh Dũng cho biết.
Không riêng gia đình anh Dũng, hàng trăm hộ trồng phật thủ tại các bãi bồi ven sông Hồng cùng chung cảnh đau xót khi chứng kiến công sức chăm bẵm cây trồng thành công cốc. Theo người dân, để cây phật thủ cho quả cần mất ít nhất 3 năm chăm bón. Vào vụ, mỗi cây sẽ thu được từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Sau bão, để phục hồi cây sẽ mất rất nhiều thời gian, ước tính 4 - 5 tháng.
Với cây phật thủ, đã mất là mất trắng. Muốn trồng lại mới, người dân buộc phải tìm vùng đất mới. Nhưng loại cây này chỉ thích hợp với vùng bãi bồi, mà quanh khu vực huyện đã được người dân khai thác triệt để. Trong khi đó, vì phật thủ cho giá trị kinh tế tương đối cao, nên người dân đầu tư khá mạnh vào trồng loại cây này, nay một trận bão đi qua quét sạch khu vườn, chỉ còn lại nỗi lo "trắng tay" của bà con.
Ông Nguyễn Văn Cam (48 tuổi), dù đã có 10 năm kinh nghiệm trồng phật thủ cũng đành lắc đầu bất lực. Ông ước tính thiệt hại hơn 1 tỉ đồng cho 500 gốc phật thủ sau thiên tai. "Nước ngập hơn 3 m, trong khoảng 4 - 5 ngày, bà con nói với nhau: "Thôi mất tất rồi, không còn gì nữa rồi"", ông Cam nhớ lại.
Sau khi nước rút, nhiều hộ dân cố gắng tỉa tót, xới đất để cây phục hồi, dù biết trước tỷ lệ không cao. "Cứu cây tốn nhiều tiền lắm. Khả năng sống của cây bây giờ chỉ được 60%. Nếu sống cũng không được đẹp như trước, bởi bộ rễ của cây ngập úng hết rồi. Giờ chỉ biết cố gắng phục hồi xem có thu được về chút nào không thôi", ông Cam chia sẻ.
Anh Dũng cũng tìm cách "cấp cứu" cho vườn phật thủ. Chưa từng trải qua cảnh ngập lụt lớn như này bao giờ, anh và bà con nhà vườn phải tự tìm hiểu kiến thức nông nghiệp từ người dân miền khác, từng có kinh nghiệm chống ngập úng. Anh cho biết: "Sau khi ngập lụt, họ làm gì thì mình làm theo. Thứ nhất, cắt tỉa cành hỏng, cành thối. Thứ hai, phá váng, bỏ lớp đất phù sa đi để gốc thoáng, rồi xử lý nấm. Cần đợi thêm thời gian xem cây có sống lại không để xử lý thêm các công đoạn khác…".
Cây phật thủ khó chăm, khó trồng lại đòi hỏi nguồn vốn lớn. Đa phần bà con vay ngân hàng để đầu tư, giờ đây mất trắng khiến họ đối diện với nhiều nỗi lo. Bà Vũ Thị Dung (60 tuổi), cũng ở Đắc Sở lên Đan Phượng thuê đất làm nông. Nhà bà đầu tư 700 gốc phật thủ, đối mặt với tình trạng mất cả gốc lẫn lãi.
"Bà con chúng tôi làm vườn dường như đều phải vay, không vay nhiều thì vay ít. Vay 400 - 500 triệu để đầu tư cái vườn này, giờ mất trắng bà con không biết lấy tiền đâu để trả ngân hàng. Khổ lắm nhưng không biết làm thế nào được", bà Dung thở dài.
Các hộ dân trồng phật thủ bị thiệt hại do bão số 3 đều mong muốn chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ người dân mức lãi suất ưu đãi để họ yên tâm phục hồi sản xuất.
"Thiệt hại ước tính là quá lớn, sổ đỏ cầm cố ngân hàng hết rồi, lãi thì mất trắng. Không có tiền trả ngân hàng và đóng lãi. Giờ bắt tay vào làm lại thì không biết bao giờ mới hoàn được", anh Dũng nghẹn ngào.