Phó thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" trong tháng 11.2024
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương kiến nghị xác định rõ trách nhiệm trong quản lý hoạt động của tàu cá ở cảng cá và trên biển; hỗ trợ chủ tàu mua thiết bị VMS; quản lý chất lượng thiết bị VMS; xử lý các tàu khai thác sai vùng, sai tuyến.
Lãnh đạo 2 tỉnh Bến Tre và Cà Mau cho rằng, vấn đề tàu cá "3 không" là trách nhiệm của địa phương; kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo rà soát đồng loạt để phân loại, xử lý dứt điểm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ kinh nghiệm lập dữ liệu đối với các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU, kết nối các cảng cá để chia sẻ thông tin tàu cá ra vào.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất nhận thức, thực hiện các biện pháp gỡ "thẻ vàng" IUU không chỉ để tham gia thị trường châu Âu mà còn phát triển ngành thủy sản bền vững, bảo đảm lợi ích, sinh kế lâu dài, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân. Đồng thời, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, nếu để ngư dân tiếp tục ra khơi trong khi ngư trường cạn kiệt thì không thể giải quyết triệt để hành vi vi phạm IUU. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong quy hoạch, đánh giá nguồn lợi, xác định mùa vụ, khu vực khai thác trong năm, số lượng tàu cá được hoạt động tương ứng. Từ đó có cơ chế, chính sách định hướng, hỗ trợ ngư dân đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản; kiểm điểm trách nhiệm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên. Bộ NN-PTNT cần làm rõ những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trước mắt việc đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, không khai báo.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong tháng 11.2024, các địa phương phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100 % số tàu tại địa bàn, không để còn tàu cá "3 không".
Tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi
Theo Bộ NN-PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ chống vi phạm IUU chậm khắc phục. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 61 tàu/418 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (tăng 12 tàu so với cùng kỳ năm 2023). Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, bắt giữ, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ngày càng tinh vi, như: sử dụng phương tiện có chiều dài dưới 15m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS); cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực vùng biển giáp ranh; cố tình gửi, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá khác.
Việc thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay vẫn chưa hoàn thành, khi mới có 89% tàu đăng ký và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt khoảng 74 %; còn hơn 9.300 tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép)…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU còn rất thấp, chưa thống nhất, đồng đều giữa các địa phương. Ông Tiến kiến nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, xử lý dứt điểm tàu "3 không"; kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; thực hiện có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT); kiên quyết xử lý hình sự hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.