Khó khăn và dũng cảm
Bà Trần Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc nhà máy Công ty Wembley Medical (chuyên sản xuất ống lấy máu, kim luồn…) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức), cho biết trên cả nước có hơn 1.300 cơ sở khám chữa bệnh phục vụ cho hơn 100 triệu dân. Trong khi tình trạng dân số gia tăng và già hóa vẫn diễn ra nhanh chóng, gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng… Từ đó đặt ra nhu cầu thiết bị y tế, vật tư tiêu hao ngày càng tăng. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với ngành y tế Việt Nam.
Hiện nguồn cung của thiết bị y tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước số lượng còn rất hạn chế. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh điều đo. Do đó, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất y tế trong nước.
Nhưng quá trình đầu tư nhà máy sản xuất hàng chất lượng cao của công ty khá tốn kém, vốn đầu tư gấp nhiều lần. Chi phí nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, nó mâu thuẫn với giá thành là phải hạ. Có 4 nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Khu công nghệ cao TP.HCM thì có 2 nhà máy ngưng hoạt động. Mặt khác, thị trường thiết bị y tế Việt Nam có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Bà Thúy cho rằng, có 5 khó khăn mà doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước gặp phải.
Khó khăn thứ nhất là thách thức về việc theo kịp tiến bộ khoa học – kỹ thuật với các nước.
Thứ hai là cạnh tranh về giá cả với hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng từ các quốc gia có được sự hỗ trợ từ Chính phủ như Ấn Độ, Trung Quốc...
Thứ ba, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các sản phẩm trang thiết bị sản xuất trong nước. Thực tế, khi tham gia đấu thầu rất khó khăn. Do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hồ sơ chứng minh tỷ lệ nội địa hóa; sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất khi nộp hồ sơ để chứng minh là hàng hóa sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi.
Thứ tư, khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu đối với công ty có sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam, do ngành công nghiệp trong nước chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng.
Khó khăn cuối cùng, theo bà Thúy đó là xin giấy phép lưu hành. Hiện, thời gian duyệt cấp giấy phép lưu hành tương đối lâu. Với doanh nghiệp sản xuất trong nước mà sản phẩm từ khi nghiên cứu đến khi đầy đủ điều kiện để nộp hồ sơ đã mất nhiều thời gian, nếu chờ thêm 2 - 3 năm nữa để cấp phép thì nhiều khi lại bị lỡ nhịp thị trường.
Cùng quan điểm, ông Trương Hùng, Phó chủ tịch Hội thiết bị y tế TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước vô cùng khó khăn từ kỹ thuật đến tài chính, quản lý và đấu thầu. Những người sản xuất rất dũng cảm, vì việc sản xuất là một chuyện, còn có sử dụng là câu chuyện khác, dù tiêu chuẩn có thể xuất khẩu được. Vị này dẫn giải rằng Indonesia làm rất tốt chính sách ưu tiên hàng trong nước và họ có tỷ lệ phù hợp cho hàng nội địa.
Sản xuất cần gắn với nhu cầu đơn vị sử dụng
Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nêu, qua đợt dịch Covid-19, việc cung ứng nguyên liệu để sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế, đảm bảo an ninh y tế được đặt ra, ví dụ như thiếu hụt khẩu trang trong thời gian đầu của đại dịch. Hiện Chính phủ và cả TP.HCM đã có những đề án, chính sách đầu tư phát triển công nghiệp dược, y sinh học… Và mới đây, luật Đấu thầu và Nghị định 24 của Chính phủ hướng dẫn luật này nêu rất rõ có chính sách ưu đãi sản phẩm sản xuất bằng công nghệ cao sản xuất trong nước, đây là điều thuận lợi. Ông mong muốn các doanh nghiệp sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người bệnh.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho rằng định hướng của TP.HCM là xây dựng khu công nghiệp dược, y sinh học chất lượng cao. Từ đó, trang thiết bị y tế sản xuất trong nước sẽ có giá thành thấp, nhưng muốn sử dụng phải đấu thầu. Quan trọng là các cơ sở khám chữa bệnh định hướng sử dụng trong khu vực nào, điều này hội đồng khoa học công nghệ tại bệnh viện phải thống nhất. Ông cũng lưu ý các công ty sản xuất thiết bị y tế cần gắn với các đơn vị sử dụng để nắm bắt nhu cầu.