Đến nay, toàn huyện đã bố trí được 2.215 nhân sự đảm nhận các chức danh ở khu phố ấp, trong đó, có 333 nhân sự làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, còn lại 756 vị trí chưa tìm được nhân sự. Sau khi thực hiện sắp xếp khu phố, toàn huyện có 362 khu phố, ấp nhưng chỉ có 42 khu phố, ấp có trụ sở hoạt động riêng lẻ, còn lại 304 khu phố, ấp sử dụng chung luân phiên, 16 ấp thuê, mượn địa điểm để làm trụ sở hoạt động.
Về công tác chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách, 12/12 xã, thị trấn tại huyện đã thực hiện chi trả hằng tháng cho 1.732 người với tổng số tiền là hơn 7,5 tỉ đồng. Thời điểm bắt đầu chi trả từ ngày 1.4.2024.
4/12 xã, thị trấn đã thực hiện chi hỗ trợ hằng tháng cho 577 người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp với tổng số tiền hơn 980 triệu đồng. 8/12 xã còn lại đang tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn nhân sự người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp.
Mượn nhà dân làm trụ sở, 1 trụ sở 12 ấp sinh hoạt chung
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Anh Vũ, Chủ tịch xã Đông Thạnh, chia sẻ sau khi sắp xếp khu phố, hiện có 3 ấp mượn nhà của bí thư chi bộ, trưởng ấp để hoạt động do thiếu trụ sở sinh hoạt.
"Liên quan đến việc này là do khó khăn về mức hỗ trợ kinh phí, chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Chúng tôi tính, nếu muốn chi trả cho trường hợp mượn trụ sở như này thì phải gắn thêm đồng hồ điện, đèn quạt riêng… để có cơ sở mà kho bạc chi tiền. Tại xã Đông Thạnh hiện có 1 trụ sở mà 12 ấp làm việc chung, gây khó khăn trong sinh hoạt, nhất là khi các ấp hội họp", ông Vũ cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Hòa, Bí thư chi bộ ấp 11, xã Xuân Thới Thượng kiến nghị về việc cấp kinh phí hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp khu phố.
"Chỗ tôi có một số anh chị làm chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ, chi hội khuyến học còn kiêm nhiệm luôn công việc phó trưởng ấp, nhưng chỉ được hưởng chế độ của phó trưởng ấp. Về guồng máy hoạt động thì ổn nhưng anh em cũng có tâm tư là ai làm việc nào thì phải được hưởng hỗ trợ việc đó. Do đó, ở ấp, tôi có thỏa thuận là 5 người hoạt động không chuyên trách trích ra một ít từ kinh phí nhận được làm thù lao cho các anh chị đảm nhận công tác khuyến học, chữ thập đỏ…, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời", bà Hòa kể.
Về việc sử dụng kinh phí hoạt động được cấp cho các khu phố, ấp, bà Hòa cho rằng hiện có bất cập. "Theo quy định, khi sử dụng kinh phí này để mua sắm gì đó cho công việc của ấp thì phải xuất hóa đơn đỏ. Nhưng tôi ví dụ, tháng này họp đoàn thể, mua 7 cây viết cho các anh chị dự họp mà đòi xuất hóa đơn đỏ thì lấy đâu ra. Tôi kiến nghị cần xem xét chỉ đạo lại việc này để ở dưới cơ sở đỡ vất vả", bà Hòa nói.
Bên cạnh đó, các xã tại H.Hóc Môn cũng bày tỏ khó khăn trong việc kiện toàn đầy đủ lực lượng an ninh cơ sở, công tác bố trí cơ sở vật chất cho Tổ công nghệ số cộng đồng…
Xây dựng phần mềm tích hợp quản lý người dân
Ghi nhận các ý kiến tại buổi làm việc, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, đề nghị trong điều kiện không để phát sinh thêm trụ sở mới sau sắp xếp khu phố, Phòng Tài chính - Kế hoạch H.Hóc Môn có các hướng dẫn phù hợp cho các khu phố, ấp trong việc thuê, mượn trụ sở làm việc, chi trả điện nước…, có thể tập trung từ nguồn lực xã hội hóa.
Về công tác quản lý, ông Thắng cho biết, hiện H.Hóc Môn triển khai xây dựng phần mềm "Hóc Môn trực tuyến", tích hợp nguồn dữ liệu quản lý khu phố, ấp mới, mỗi hộ dân sẽ có 1 mã số hộ, cập nhật số thành viên của mỗi hộ. Người dân có thể truy cập vào phần mềm này để phản ánh các vấn đề dân sinh, an ninh trật tự… để các trưởng khu phố, trưởng ấp và các cấp quản lý nắm bắt. Ông Thắng hy vọng, nếu hoàn thiện phần này, tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ được liên thông, nâng cao sử dụng công nghệ thông tin giữa người dân và chính quyền.
Kết luận buổi giám sát, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM và đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của H.Hóc Môn trong công tác sắp xếp khu phố theo quy định. Về việc còn 756 vị trí chưa có nhân sự đảm nhận, ông Nhân đề nghị UBND H.Hóc Môn sớm có giải pháp kiện toàn đầy đủ các chức danh, đảm bảo chỉ tiêu 30% nhân sự là nữ. Đặc biệt, H.Hóc Môn cần lưu ý chuẩn bị lực lượng kế thừa.
Về việc xây dựng phần mềm quản lý "Hóc Môn trực tuyến" để quản lý người dân sau sắp xếp khu phố, ông Nhân đề nghị H.Hóc Môn cần có trao đổi với Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM và Sở TT-TT TP.HCM để sau này có sự kết nối chung vào phần mềm quản lý chung của thành phố, tránh việc chồng chéo mỗi quận, huyện 1 phần mềm.