Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, qua 4 đợt thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), đến nay, tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả. EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của VN, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp T.Ư. Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức triển khai tại địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến một số nhiệm vụ chuyển biến còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10.2023.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc phòng, chống vi phạm quy định IUU phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, bảo đảm sinh kế cho ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng IUU", với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các lực lượng chức năng ở trên bờ, trên biển, nhưng những vấn đề lớn, bức xúc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do công tác tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa quyết liệt.
Phó thủ tướng yêu cầu, trước ngày 20.11, các địa phương phải hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Trên cơ sở dữ liệu rà soát "tàu ma" (đã xóa đăng ký nhưng vẫn tiếp tục hoạt động) của địa phương, các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư triển khai chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát, hoàn thiện chế tài xử lý, áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý hành vi vi phạm liên quan đến giám sát hành trình; tăng mức xử phạt răn đe như tịch thu hàng hóa, tàu cá hoặc bằng của thuyền trưởng; điều chỉnh quy định quản lý đánh bắt theo mùa vụ... Các sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan đăng kiểm để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đăng kiểm, đăng ký tàu cá ngăn ngừa thay đổi số hiệu; đồng bộ thông tin lao động trên tàu cá với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Các lực lượng chức năng trên biển khoanh định vùng khai thác để tập trung giám sát, xử lý.