Đồng thời, Đồn biên phòng Lý Sơn đã tổ chức tuần tra kêu gọi các chủ lồng bè, tàu thuyền xung quanh khu vực đảo Lý Sơn vào tránh trú tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn và triển khai lực lượng chằng chống nhà cửa, hỗ trợ vật phẩm cho các hộ gia đình neo đơn, người già trên địa bàn.
Diễn biến của bão số 6 rất phức tạp, khó lường và có khả năng rất cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn. Trước tình hình đó, bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn, đã ký văn bản khẩn triển khai phòng chống bão số 6.
Toàn H.Lý Sơn có hơn 50 hộ tham gia nghề nuôi cá lồng bè với 1.600 lồng nuôi. Đến chiều 25.10, người nuôi cá lồng bè đã hoàn tất đưa lồng bè đến nơi tránh bão an toàn.
Còn tại tỉnh Bình Định, ngày 25.10, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương, thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để không vào khu vực nguy hiểm. Đồng thời rà soát, kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển để phòng, tránh bão số 6.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, hiện neo đậu tại bến, hoạt động gần bờ có 5.688 tàu cá/40.028 ngư dân; trên biển có 551 tàu cá/3.645 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện tại, tất cả các tàu cá trên biển và ngư dân đã nhận được thông tin và di chuyển, tránh khỏi khu vực nguy hiểm, không có tàu cá ở vùng nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 6, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định đã triển khai công tác phòng chống, ứng phó khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang bị sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống theo phương châm "4 tại chỗ".
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cũng chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng địa phương tuyên truyền, kêu gọi, kiểm đếm, rà soát tàu thuyền, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động triển khai xuống các địa bàn xung yếu để phối hợp phòng, chống bão và tìm kiếm cứu nạn.
Tại hội nghị triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 6, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cùng các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão số 6 tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh và bám sát diễn biến cơn bão để kích hoạt các biện pháp phòng chống cụ thể.
"Bộ đội biên phòng, các cơ quan, đơn vị, địa phương ven biển tổ chức thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Tàu thuyền neo đậu trong bờ, lồng bè nuôi trồng thủy sản chủ động giằng néo, neo đậu an toàn. Các địa phương rà soát, tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch cây trồng, lồng bè nuôi tôm cá, thủy hải sản để hạn chế thiệt hại nếu bão vào… Tại các khu vực, vùng nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương chủ động di dời người dân trước khi mưa bão vào. Khu vực đô thị phải chủ động cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ các biển báo, quảng cáo có nguy cơ bị gió bão thổi bay để đảm bảo an toàn", ông Tuấn nói.