Bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn có 126 điểm kinh doanh tự phát. Đại diện BQL cho biết người buôn bán bên ngoài chợ không có giấy chứng nhận ATTP, giấy cam kết ATTP. Đặc biệt, có 38 điểm bán thịt heo dọc các con đường dẫn vào chợ đầu mối, hầu hết lấy thịt từ các lò giết mổ thủ công, không rõ nguồn gốc. Việc sơ chế, bày bán chủ yếu trên sàn nhà, lề đường. Bên cạnh đó, có 50 điểm kinh doanh tự phát bán rau, củ, quả, trái cây không rõ nguồn gốc, không được lấy mẫu kiểm tra định kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…
Để đảm bảo công bằng cho tiểu thương kinh doanh bên trong chợ, theo mục đích ban đầu của chợ đầu mối là tạo vành đai thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, BQL đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra chặt chẽ, xử lý những hộ kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, rà soát lại giấy phép kinh doanh. Đại diện UBND H.Hóc Môn cho biết đoàn kiểm tra của huyện gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý chợ tự phát. Khi đoàn đến kiểm tra, chủ hộ không có mặt, thiếu nhiều giấy tờ, mang hàng cất nơi khác, lực lượng kiểm tra của huyện còn mỏng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 không giảm được điểm kinh doanh tự phát nào, chỉ nhắc nhở 4 trường hợp và xử phạt 1 trường hợp.
Ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh: "Hiện nay, chợ đầu mối Hóc Môn có hiện tượng vắng khách dẫn đến lượng hàng hóa giảm dần. Ngược lại, bên ngoài chợ lại sôi nổi hoạt động mua bán. Chúng ta đã thật sự quyết liệt vào cuộc xử lý chưa khi 126 điểm buôn bán tự phát vẫn không giảm?".
Chợ tự phát bát nháo, mất vệ sinh
Tình trạng chợ tự phát mọc lên cạnh các chợ đầu mối ở TP.HCM diễn ra nhiều năm qua, như quan sát của bạn đọc (BĐ) Hai Mien: "Ai cũng thấy, quanh chợ đầu mối Hóc Môn có nhiều chợ nhỏ tự phát trên đường số 4, số 10, số 12... Thịt cá, lòng heo bày trên mấy tấm bạt trải dưới đường, đỡ hơn chút là đựng trong khay nhôm, thì khó mà bảo đảm vệ sinh".
"Người mua sỉ mới vào chợ đầu mối Hóc Môn, chứ khách mua lẻ thì tấp vô dãy xe đẩy đậu đầy hai bên đường Nguyễn Thị Sóc. Tiện đường thì có, rẻ hơn chưa biết, còn chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm thì không nói trước được gì trong cảnh hôi hám, ruồi nhặng bay đầy", BĐ Languyen bổ sung.
BĐ Van Minh Nguyen bày tỏ: "Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa chợ chính và chợ tự phát. Như khi tới chợ đầu mối Bình Điền, phải qua cổng để vô các khu gian hàng được quản lý. Còn trước đó phải vượt qua hàng dài chợ tự phát bán tràn ra đường, bát nháo, rất nguy hiểm cho người lưu thông".
"Chợ tự phát có ở nhiều nơi chứ không riêng gì quanh các chợ đầu mối. Biết là kiểu buôn bán này đáp ứng nhu cầu của một nhóm khách mua, nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng phần nào từ đây mà ra chứ đâu", BĐ Minh Lê nhìn nhận.
Cần giải pháp hiệu quả
Thực tế, việc xử lý, dẹp chợ tự phát lâu nay gặp nhiều trở ngại, như "bắt cóc bỏ đĩa". BĐ VEi45M ngao ngán: "Dẹp được vài bữa rồi chợ tự phát lại tiếp tục họp. Điển hình như trước chợ đầu mối Bình Điền, chợ tự phát chiếm lề đường, đêm nào cũng làm kẹt xe".
BĐ Hoàng Thân đánh giá: "Chợ truyền thống đã gặp khó khăn do bị siêu thị, cửa hàng tiện lợi cạnh tranh. Tiểu thương trong chợ còn chịu sự quản lý về ATTP, đóng thuế, mà người bán bên ngoài lại buôn bán tự do thì không công bằng". BĐ Lê Tuấn Hải cho rằng: "Dẹp chợ tự phát sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của một số người, nhưng không vì thế mà để chợ tự phát tồn tại".
Dẫn thông tin bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn có 126 điểm kinh doanh tự phát, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay không giảm được điểm nào, BĐ QvYZ7 bình luận: "Chưa rõ con số này là thực tế hay chỉ khoanh vùng trọng yếu. Nếu đúng thông tin như vậy thì cách quản lý của các đơn vị ở địa phương đang có vấn đề".
"Cần có cách giải quyết hiệu quả hơn chứ không thể cứ hết đợt ra quân, xử phạt thì chợ tự phát trở lại như cũ. Dọn dẹp trước tiên là về an ninh trật tự, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, vệ sinh môi trường, rồi đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó tính tới chuyện sắp xếp nơi buôn bán cho những người kinh doanh nhỏ lẻ để họ không nhảy cóc nữa", BĐ Tran Hung Thang đề nghị.