Sau vụ gãy nhánh dầu trong công viên Tao Đàn (P.Bến Thành, Q.1) khiến 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương, vấn đề chăm sóc cây xanh được nhiều phóng viên đặt ra.
Ông Sơn cho biết trước mùa mưa bão, công ty tăng cường mé nhánh xụ, nhánh nặng tàn, lấy nhánh khô nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố cây xanh. Ngoài ra, nhân viên tuần tra hằng ngày, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong công viên để phát hiện các khiếm khuyết, hư hại như: cây chết khô, cây nghiêng, sam, mục, bọng.
"Việc phát hiện các khiếm khuyết cây xanh đô thị chủ yếu bằng kinh nghiệm, chuyên môn thực tiễn của công ty", ông Sơn nói.
Cũng theo đại diện Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, hiện các nước tiên tiến đã sử dụng các thiết bị, máy móc để theo dõi, đánh giá các khiếm khuyết của cây xanh.
Do đó, phía công ty đã đầu tư 1 máy kiểm tra khuyết tật cây xanh. Đây là thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để biết được mật độ của gỗ. Loại máy này có thể hình dung các khuyết tật của gỗ nhưng các phép đo không tự giải thích, việc đánh giá đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm cơ bản của người vận hành.
Ông Tùng cho biết công ty đang phối hợp các nhà khoa học chuyên ngành thử nghiệm vào một số chủng loại cây như sao đen, dầu con rái, lim sét, sọ khỉ (loại cây cấp 2 và cấp 3) để thu thập dữ liệu, phục vụ các bước phân tích, xây dựng quy trình đánh giá trên cơ sở khoa học nhằm phục vụ cho công tác quản lý cây xanh tốt hơn.
Đến nay, việc trang bị các thiết bị mới vào công tác quản lý cây xanh đô thị vẫn đang trong giai đoạn lấy mẫu. Kết quả phân tích đánh giá cần được kiểm tra một cách khoa học trên mẫu số đủ lớn để xây dựng quy trình chăm sóc tối ưu.
Sáng 9.8, nhánh cây dầu trong công viên Tao Đàn bất ngờ gãy, đè trúng nhóm người lớn tuổi đang tập thể dục bên dưới, khiến 2 người thiệt mạng, 3 người nhập viện cấp cứu. Sau đó, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu tổng rà soát cây xanh trên toàn địa bàn, xử lý ngay những cây mất an toàn, có nguy cơ gãy đổ.