Bà Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và 65 cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến tham dự buổi lễ.
Phát biểu khai mạc, bà Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, cho biết lễ tôn vinh là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 65 năm Bác Hồ về thăm tỉnh Ninh Bình.
Theo bà Hoa, 55 năm đã trôi qua nhưng những điều Bác Hồ để lại trong di chúc vẫn còn nguyên giá trị. "Ninh Bình vinh dự 5 lần được Bác Hồ về thăm, đó là những sự kiện trọng đại, là kỷ niệm thiêng liêng, mãi mãi khắc ghi trong tâm trí, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Những lời căn dặn của Bác mỗi khi về thăm thể hiện tình cảm sâu sắc của Bác dành cho Ninh Bình", bà Hoa cho hay.
Theo bà Hoa, những năm qua, các nội dung học tập và làm theo Bác đã được cụ thể hóa thành các tiêu chí rèn luyện đối với cán bộ, đảng viên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Em Nguyễn Khánh Phúc, học sinh lớp 9D Trường THCS Trương Hán Siêu (TP.Ninh Bình) là một trong những điển hình tiên tiến được tôn vinh, cho biết sự ghi nhận của các cấp, các ngành với sự nỗ lực, cố gắng của em trong học tập, sẽ là động lực để em tiếp tục con đường chinh phục tri thức.
Phúc là học sinh đạt nhiều thành tích nổi bật, đã đoạt tới 16 huy chương và các giải thưởng các môn toán, tiếng Anh, tin học cấp quốc gia, cấp tỉnh, như: 4 năm liền đoạt huy chương vàng cuộc thi AMO, 3 huy chương vàng cuộc thi toán học SASMO, 2 huy chương vàng Olympic toán học MWB, được T.Ư Đoàn trao tặng huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo...
Bà Hoa cũng khẳng định, 65 điển hình tiên tiến được tôn vinh lần này là minh chứng rõ nét nhất kết quả triển khai việc học tập và làm theo Bác. 65 điển hình là 65 câu chuyện khác nhau, 65 hoàn cảnh khác nhau với những việc làm cụ thể trên các lĩnh vực đang hàng ngày, hàng giờ tỏa hương, thắp sáng, làm đẹp cho đời.
"Đó là những tấm gương về tinh thần, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, không ngại khó ngại khổ, lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vượt hiểm nguy, giữ gìn bình yên cuộc sống. Đó là những tấm gương thầm lặng cống hiến cho khoa học; đó là những con người đầy khổ đau nhưng lại hy sinh, bao bọc hàng trăm mảnh đời nghèo khổ; đó là những tấm gương đầy lòng nhân ái, bao dung, thương người như thể thương thân, cho đi là còn mãi, sống cho đi không nhận riêng mình", bà Hoa nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, cho rằng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào sâu rộng, nhu cầu tự thân như một lẽ tự nhiên ở đời và làm người, học tập và lao động, sản xuất và chiến đấu, tu tâm và rèn trí của mỗi người dân đất Việt, của mỗi người dân cố đô, của mỗi cán bộ, đảng viên.
Từ ý nghĩa lan tỏa của lễ tôn vinh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình lưu ý mỗi người phải tự nhắc nhở bản thân, ra sức học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng cả bổn phận và trách nhiệm, thực hành đạo đức công vụ trong lối sống, nếp sống đời thường, cả làm việc và làm người, để phấn đấu đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc T.Ư với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Bà Hồ Thị Lý (ngụ phố Tân Quý, P.Tân Thành, TP.Ninh Bình) là một trong những điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong những năm qua, bà Lý đã vận động gia đình, con cháu nhận đỡ đầu cho 2 cháu bé có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ cho phường nơi bà sinh sống số tiền 1,2 tỉ đồng để địa phương lắp đặt hệ thống camera an ninh; ủng hộ 200 triệu đồng để địa phương xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ.