Theo văn bản của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Bình Dương, qua thời gian triển khai luật Đất đai năm 2024, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành, việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thành phố đã được thực hiện nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại địa phương.
Tuy nhiên, vừa qua trên Báo Thanh Niên ngày 26.8 có bài viết với tiêu đề "Bất ngờ với yêu cầu mua đất phải có mặt vợ, chồng ký giấy tờ".
Sau bài viết, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Bình Dương yêu cầu giám đốc chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung sau: "Tuyệt đối không được yêu cầu nộp thêm giấy tờ, kê khai thêm thông tin mà pháp luật đất đai không quy định; Thực hiện giải quyết hồ sơ của người dân theo thông tin trên hợp đồng/văn bản nhận chuyển quyền đã được công chứng, chứng thực và thông tin trên hồ sơ đầy đủ, hợp lệ người dân đã kê khai và nộp; Giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai đảm bảo đúng nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo quy định tại Điều 224 luật Đất đai năm 2024".
Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ Bình Dương yêu cầu giám đốc chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung trên. Nếu tiếp tục nhận được phản ánh có nội dung trên và nội dung liên quan tương tự thì giám đốc chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Trước đó, Báo Thanh Niên đã thông tin về tình trạng người dân đi mua đất trên địa bàn Bình Dương đến các văn phòng công chứng làm thủ tục thì được yêu cầu phải có mặt vợ, chồng để ký giấy tờ. Nếu không có mặt đầy đủ thì sẽ bị trả hồ sơ đăng ký đất.
Sau khi Báo Thanh Niên thông tin đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc, các chuyên gia về pháp luật cho rằng việc bắt buộc phải có mặt vợ, chồng để ký công chứng giấy tờ khi mua đất là không cần thiết.
"Yêu cầu có mặt vợ, chồng ký giấy tờ mua đất nói chung là để bảo vệ và minh bạch tài sản chung của 2 người. Tuy nhiên, việc bảo vệ và minh bạch chỉ cần quy định lúc bán phải có mặt 2 người là đủ. Còn yêu cầu khi mua đất phải có vợ chồng như trên sẽ làm chậm và có thể mất cơ hội giao dịch (chốt giá nhanh, mua nhanh...), gây phiền hà, tốn kém chi phí cho người dân. Trong khi đó, việc phát sinh tranh chấp tài sản chung lúc mua vào giữa vợ và chồng là không nhiều; nếu có phát sinh tranh chấp thì tòa án vẫn phân định và giải quyết bình thường theo quy định của pháp luật", một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Bình Dương nêu ý kiến.