Địa điểm tổ chức 3 điểm cầu, gồm: Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân (P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM); Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) và Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp).
Ông Thái Thành Chung, Phó tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, cho biết tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đón cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết năm 1954.
Điểm đón nhận là cầu cảng bằng tre nứa, gần cảng Lạch Hới (P.Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn) hiện nay. Tại khu vực này, dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc được khởi công từ tháng 8.2022, dự kiến hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm.
Tỉnh Thanh Hóa là địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của cho chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc thời điểm đó vẫn hết sức khó khăn sau cuộc kháng chiến 9 năm nhưng vẫn dành điều kiện tốt nhất, tình cảm sâu lắng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, đặc biệt là học sinh.
Cách đây 70 năm, Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng quyết định đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục học tập để đào tạo lực lượng cho sự nghiệp cách mạng lâu dài. Nhiều người học hành thành tài, được đi du học rồi quay về phục vụ đất nước, đảm nhiệm một số vị trí quan trọng, điển hình là cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ðây không chỉ là đợt chuyển quân mà còn mang tầm nhìn chiến lược, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng đấu tranh giải phóng miền Nam.
Với thời lượng 120 - 140 phút, chương trình ôn lại các dấu mốc lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ, ký hiệp định Genève và thực hiện hiệp định, dựa trên một phần ký ức của những cô chú lớn tuổi, nhiều người trên 80 tuổi, những người phải chia tay người thân để ra miền Bắc.
Chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên Đài truyền hình TP.HCM, Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Tháp và một số địa phương trong nước.