Theo đó, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định phối hợp Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, tổ chức lễ trao hồ sơ, kỷ vật cán bộ tỉnh Bình Định đi B cho 57 thân nhân, gia đình.
74 tuổi mới biết gương mặt của cha
Vừa cầm hồ sơ đi B của cha, cụ Lê Quang Dũng (74 tuổi, ở P.Đập Đá, TX.An Nhơn, Bình Định) bước vội vào chiếc bàn ở góc của hội trường. Hai tay run run, cụ Dũng bóc tìm những kỷ vật của cha với mong muốn có được tấm hình.
"Đến chừng này tuổi rồi mà tôi chưa biết mặt, hình dáng cha mình như thế nào, chỉ biết cha tên Lê Hải, sinh năm 1920. Bao năm mong mỏi, tìm kiếm, hỏi gia đình những người bạn, đồng đội của cha nhưng chẳng có tấm ảnh nào lưu lại. Hy vọng lần này có cái hình để biết mặt cha", cụ Dũng nghẹn ngào.
Trong hồ sơ cụ Lê Hải có Huân chương Kháng chiến hạng 3 và kỷ niệm chương, bằng khen cùng nhiều hiện vật, giấy tờ khác… Khoảnh khắc nhìn thấy tấm ảnh nhỏ xíu của cha trên chứng minh thư, cụ Dũng như vỡ òa.
Theo cụ Dũng, năm 1954, cùng với nhiều cán bộ, thanh niên ở tỉnh Bình Định, cụ Lê Hải tập kết ra miền Bắc. Từ đó, gia đình không liên lạc được với cụ Hải. Năm 1969, mẹ cụ Dũng mất.
"Khi cha đi tập kết, tôi mới 3 hay 4 tuổi nên có biết hay nhớ gì đâu. Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình không nhận được thông tin gì về cha. Năm 1978, tôi bất ngờ nhận được giấy báo tử của cha, trong giấy ghi ngày mất là 21.6.1968. Năm đó, tôi đi tìm rồi hỏi một cán bộ đi tập kết cùng đợt với cha thì mới biết 2 người đều là cán bộ xã trước khi ra miền Bắc. Khi cha tôi mất, người này có tham gia chôn cất", cụ Lê Quang Dũng nói.
Theo hồ sơ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, khi tập kết ra miền Bắc, cụ Lê Hải công tác tại Hợp tác xã mua bán An Dương, ở xã Lê Lợi, H.An Dương, tỉnh Kiến An (năm 1962 sáp nhập vào TP.Hải Phòng). Cụ Hải đi B ngày 4.9.1961.
Cụ Đinh Lợi (74 tuổi, xã Cát Tài, H.Phù Cát, Bình Định), con trai liệt sĩ Đinh Hương, cũng không cầm được nước mắt khi xem từng trang hồ sơ, kỷ vật của cha mình. "Khi cha tập kết ra Bắc, tôi chỉ mới 4 tuổi. Rồi mẹ cũng mất sớm, những thông tin về cha rất ít. Chỉ biết rằng, khoảng năm 1961 - 1962, cha được cử về Gia Lai và năm 1973 trở lại miền Bắc. Cha tôi mất 1975".
Theo hồ sơ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, liệt sĩ Đinh Hương công tác tại Xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu 19.5 ở Hải Phòng và đi B ngày 25.4.1965. Kỷ vật của liệt sĩ Đinh Hương có 1 huy chương, 27 giấy khen, bằng khen…
Lưu trữ 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B
Theo ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân... (gọi là hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ.
Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn... còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, ảnh, nhật ký, sổ tay...
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ nhà nước (thuộc Bộ Nội vụ), cho biết đơn vị này và Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B. Trong đó, Bình Định là địa phương có số lượng hồ sơ đi B nhiều nhất trên cả nước với 5.442 bộ.
"Trao trả những kỷ vật từng gắn bó với các cán bộ tập kết gửi lại trước khi lên đường đi B là hoạt động ý nghĩa, tôn vinh và tri ân những người có công với đất nước, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân", bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Ký ức thanh xuân trên đất Bắc
Trưng bày tài liệu chuyên đề "Ký ức thanh xuân trên đất Bắc"diễn ra từ ngày 28.8 - 31.12 nhằm giới thiệu khoảng 150 tài liệu, ảnh, hiện vật, hình ảnh liên quan đến giai đoạn chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Trưng bày được xếp theo 3 chủ đề.
Trong đó, chủ đề 1 "Ký ức những ngày tập kết ra Bắc" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; tư liệu về chủ trương, đường lối của Đảng thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc, phân công cán bộ ở lại tham gia hoạt động kháng chiến tại Bình Định; tài liệu, tư liệu về các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn;...
Chủ đề 2 "Nam Bắc vẫn là một nhà" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết; tài liệu, tư liệu, hình ảnh về hoạt động của cán bộ miền Nam tập kết và hoạt động của các trường học sinh miền Nam tại miền Bắc.
Chủ đề 3 "Mãi mãi tuổi thanh xuân" trưng bày và giới thiệu tài liệu, tư liệu hồ sơ, kỷ vật một số cán bộ tập kết đã mất tại miền Bắc và của cán bộ đi B và một số liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.