>>Lại “nóng” chuyện cấm xe máy
Giật mình nhìn báo giá
Sau trận mưa lớn khiến nhiều đường phố ở Hà Nội biến thành “sông” vào giữa tuần trước, đã làm nhiều xe máy bị chết máy do ngập nước. Cuối tuần vừa qua số người mang xe đến bảo dưỡng sửa chữa tăng cao. Một số khách hàng mang xe máy vào các đại lý chính hãng để bảo dưỡng, sửa chữa, đã giật mình với những báo giá, có nhiều hạng mục phải thay thế phụ tùng với giá quá cao.
Theo chia sẻ của anh Tuấn Phong ( đường Hàm Nghi, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), chiếc xe máy của anh bị chết máy do ngập nước sau cơn mưa lớn vào sáng 28/9 vừa qua. Từ đó xe xuất hiện tình trạng gằn máy, khó đề, chạy hay bị giật cục, không êm ái như trước. Sáng thứ 7 ngày 30/9 anh mang xe đến đại lý chính hãng để kiểm tra. Sau 1 hồi nhân viên kỹ thuật xem xét và đưa ra khá nhiều hạng mục phải thay thế như: bugi, lọc gió, dầu nhớt, má phanh, dây ga… cùng chi phí bảo dưỡng toàn bộ xe lên đến 2 triệu đồng. Anh Phong giật mình khi thấy giá cao so với giá trị chiếc xe, nên đã không đồng ý. Sau đó anh mang ra cửa hàng sửa chữa bên ngoài, nhaann viên báo giá cho anh hết 800.000 đồng. Nhiều viên kỹ thuật cho biết, ngoài lọc gió và dầu nhớt cần phải thay thì những linh kiện khác chỉ cần sạch, bảo dưỡng lại là vẫn có thể sử dụng được. Điều này giúp anh Phong tiết kiệm được khoản chi phí không hề nhỏ.
Bác Nguyễn Văn Thái, một cư dân sống tại Mỹ Đình cho biết, không phải chỉ xe bị ngập nước, có vấn đề, đưa vào đại lý chính hãng mới bị đề nghị thay thế hàng loạt phụ tùng mà bình thường cũng vậy. Bác Thái kể đang sử dụng chiếc Honda Vision, thường đến đại lý chính hãng để bảo dưỡng định kì. Nếu xe không có vấn đề gì mà chỉ làm những bước kiểm tra đơn giản và thay dầu, sẽ chỉ tốn kém khoảng 150 ngàn đồng. Tuy nhiên, vấn đề đã phát sinh khi chiếc xe của bác xuất hiện tình trạng chết máy nhiều lần. Phía đại lý chính hãng kiểm tra và báo lỗi bugi, sau đó tư vấn thay mới cùng một loạt các bộ phận khác, với tổng chi phí lên đến hơn 1 triệu đồng. Trong khi đó, mang xe ra ngoài, tổng thiệt hại thấp hơn nhiều, chưa tới 500.000 đồng. Nói chung cứ vào hãng là dễ phải thay thế hàng loạt lắm, mà giá phụ tùng chính hãng luôn cao hơn bên ngoài, có như vậy họ mới “kiếm” được, bác Thái nói.
Có thực tế là, những khách hàng mua xe máy mới, sau khi hết thời hạn bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, thường không mang xe vào đại lý chính hãng sửa chữa nữa mà chọn các cơ sở bên ngoài. Trừ những trường hợp bất đắc dĩ, các cơ sở bên ngoài không làm được, không có phụ tùng thay thế, mới phải vào hãng. Lí do là mức giá quá đắt đỏ của đại lý chính hãng so với những cơ sở tư nhân.
Tùy khách hàng lựa chọn
>>Xe máy điện “bùng nổ”, cơ hội của doanh nghiệp Việt
Theo chia sẻ của anh Đức Anh, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy Anh Anh Motor (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khách hàng mang xe đến cơ sở chúng tôi đều được tư vấn cụ thể về tình trạng xe và đưa ra những phương án sửa chữa phù hợp. Ví dụ, khi một bộ phận của xe đã cũ và không hoạt động trơn tru, kỹ thuật viên sẽ tư vấn để khách quyết định thay mới hay bảo dưỡng và tiếp tục sử dụng. Thấy phụ tùng nào chưa cần thiết phải thay mới, cũng có lời khuyên rõ ràng cho khách hàng. Nếu thay mới, sẽ có nhiều phụ tùng với các mức giá khác nhau, để khách hàng lựa chọn, phù hợp nhu cầu và túi tiền. Phụ tùng thay thế luôn được bảo hành từ 6-12 tháng. Đa phần khách hàng đi xe máy đều có thu nhập không cao, vì thế khi tư vấn sửa chữa, nhân viên kỹ thuật ngoài hiểu biết chuyên môn, còn cần sự tận tâm và trung thực, như vậy sẽ mang lại uy tín.
Lý giải cho về giá cả chênh lệch nhiều giữa cấc cơ sở sửa chữa tư nhân so với chính hãng, anh Đức Anh cho biết, cửa hàng của anh không phải chịu nhiều khoản thuế, phí như các đại lý chính hãng, ngoài ra chi phí thuê mặt bằng, trang thiết bị và các chi phí thường xuyên đều thấp hơn các cơ sở chính hãng, giúp anh đưa ra được giá tốt cho khách hàng. Hơn nữa, tại các đại lý chính hãng, một số bộ phận của xe sau một thời gian sử dụng dù chưa có vấn đề gì nhưng theo quy định, đến hạn phải thay, thế là nhân viên kỹ thuật sẽ đề nghị thay mới, anh Đức Anh nói.
Trao đổi với quản lý của đại lý Honda trên đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, anh cho biết, các đại lý chính hãng, luôn tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn chất lượng an toàn do nhà sản xuất đề ra, nên khi đưa xe vào đây, thấy có vấn đề, nhân viên kỹ thuật sẽ thực hiện theo đúng quy định. Hơn nữa phụ tùng tại các đại lý đều là chính hãng có tiêu chuẩn chất lượng cao và được kiểm soát chặt nên giá cả cũng cao hơn hàng trôi nổi. Ngoài ra, các đại lý chính hãng phải đầu tư bài bản với những trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, mặt bằng phải thoáng rộng, đảm bảo vệ sinh an toàn, chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên đều cao hơn và nghĩa vụ thuế, phí với nhà nước phải thực hiện đầy đủ. Chi phí sửa chữa bảo dưỡng xe của đại lý tuy cao nhưng đổi lại, khách hàng được phục vụ tốt hơn, chiếc xe được đảm bảo đúng tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng do nhà sản xuất đặt ra. Đưa xe vào đại lý chính hãng để được phục vụ, hay đến các cơ sở tư nhân, hoàn toàn thuộc quyền lựa chọn của khách hàng, không hề bị áp đặt.