>>Thị trường ô tô rơi vào suy thoái, đại hạ giá cả tỷ đồng xả hàng tồn

Sedan hạng B mất vị thế

Dòng xe Sedan hạng B ngày càng thất thế so với Crossover hạng B tại thị trường Việt Nam. Từ năm 2020 trở về trước, Sedan hạng B là phân khúc ô tô có nhiều sản phẩm bán chạy nhất. Chẳng hạn như mẫu Toyota Vios có thời điểm bán cao nhất đạt hơn 33.000 xe/năm, các mẫu xe khác như Hyundai Accent đạt hơn 20.000 xe/năm và Honda City đạt hơn 15.000 xe/năm. Riêng 3 mẫu xe này có năm đã chiếm tới 20% thị phần ô tô và là phân khúc luôn dẫn đầu về doanh số bán trên thị trường.

Hầu hết những mẫu Sedan hạng B bán chạy đều được sản xuất lắp ráp trong nước. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vì vậy đã đặt niềm tin rất lớn vào phân khúc Sedan hạng B, bởi doanh số bán cao, sẽ giúp sản xuất phát triển. Tuy nhiên, dòng Sedan hạng B đang ngày càng thất thế trong cuộc cạnh tranh với với dòng Crossover hạng B, doanh số bán liên tục sụt giảm trong 2 năm gần đây.

Ô tô Sedan hạng B sắp hết thời, đại hạ giá vẫn thê thảm

Sedan hạng B đang mất dần vị thế dẫn đầu. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong số 10 mẫu ô tô bán chạy nhất tháng 8/2023, chỉ có 2 mẫu Hyundai Accent và Mazda3 góp mặt. Trong đó, Hyundai Accent với doanh số hơn 1.000 xe, xếp vị trí thứ 6, còn Mazda3 với 560 xe, xếp vị trí thứ 9. Những cái tên từng hút khách nhất thị trường như Toyota Vios, Kia K3 hay Honda City đều vắng bóng.

Tính đến hết tháng 8/2023, dòng Sedan hạng B chỉ có 3 mẫu xe góp mặt trong top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam, gồm Hyundai Accent, Honda City và Toyota Vios. Tuy nhiên, chỉ có Hyundai Accent còn cơ hội cạnh tranh vị trí dẫn đầu với các mẫu xe ở phân khúc khác. Toyota Vios và Honda City đã đánh mất vị thế khi doanh số bán cứ tụt dần.

Crossover hạng B lên ngôi

Trong khi đó, dòng Crossover hạng B ngày càng lấy đi nhiều khách hàng của Sedan hạng B. Ưa chuộng xe gầm cao là một xu hướng của thị trường ô tô thế giới và Việt Nam cũng vậy. Tại Việt Nam, dòng Crossover hạng B được ưa chuộng bởi có giá bán tương đương với Sedan hạng B, trong tầm giá từ 600-700 triệu đồng, lại sở hữu những điểm mạnh về gầm cao, cũng như thiết kế hợp xu hướng.

Vì vậy, nhiều khách hàng phổ thông thay vì lựa chọn Sedan hạng B truyền thống, đã chuyển sang những mẫu xe Crossover hạng B, với giá bán tương đương hoặc nhỉnh hơn chút ít nhưng đổi lại có chiếc xe với thiết kế khỏe khoắn, gầm cao, đa dụng và đặc biệt nhiều công nghệ. Những mẫu xe như Kia Sonet, Seltos, Hyundai Creta… ngày càng được ưa chuộng.

Theo số liệu từ VAMA, năm 2022 nhóm xe Crossover cỡ nhỏ nói chung có doanh số bán hơn 73.600 xe, tăng gần 200% so với năm 2020. Doanh số này đã áp sát con số 75.856 của Sedan hạng B. Năm 2023 tính đến hết tháng 8, doanh số nhóm xe Crossover cỡ nhỏ là hơn 41.500 xe, dẫn đầu thị trường, nhiều hơn gần gấp rưỡi Sedan cỡ B. Đây là mức tăng trưởng doanh số rất ấn tượng.

Ô tô Sedan hạng B sắp hết thời, đại hạ giá vẫn thê thảm

Crossover hạng B ngày càng được ưa chuộng. (Ảnh minh họa)

Năm 2021, Mazda CX-3, CX-30, Kia Sonet, Toyota Raize ra mắt thị trường Việt Nam. Đến năm 2022, có thêm Hyundai Creta, Nissan Kicks, Volkswagen T-Cross. Sang 2023, những cái tên như Toyota Yaris Cross, VinFast VF 6 đã xuất hiện. Trong số 9 mẫu Crossover cỡ nhỏ kể trên, có đến 6 mẫu thuộc hạng B.

Trên thị trường hiện nay, phần lớn các xe mẫu Sedan hạng B đều giảm giá, tăng khuyến mãi khủng để giữ khách hàng. Các mẫu xe như Honda City, Hyundai Accent, Toyota Vios vốn đã được nhận ưu đãi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ, vẫn được nhà sản xuất và đại lý hỗ trợ 50% còn lại. Những mẫu Sedan hạng B nhập khẩu nguyên chiếc như Mitsubishi Attrage, Nissan Almera, được doanh nghiệp hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ.

Nếu các doanh nghiệp không chịu làm mới những mẫu Sedan hạng B từ thiết kế đến trang bị công nghệ và đảm bảo mức giá cạnh tranh thì phân khúc này sẽ ngày càng thất thế, doanh số bán còn tiếp tục gây thất vọng. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phải đi tìm “niềm hy vọng” ở những phân khúc khác.