Nhiều học viên sau khóa học cũng từ bỏ ý định mua xe xăng, chuyển sang mua xe điện.
>> VinFast chốt thời điểm nhận xe VF e34 và VF 8
Mới đây, trên kênh Youtube WhatcarVN, những chia sẻ của thầy Minh Nghĩa (Trung tâm Dạy nghề lái xe Đức Thịnh, Hà Nội) cùng hai chuyên gia ô tô Nguyễn Mạnh Thắng và Lê Tùng Anh đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và thích thú khi bóc tách từng loại chi phí nuôi xe và những điểm cộng, trải nghiệm khác biệt chỉ có khi sử dụng xe điện.
Chi phí sử dụng rẻ hơn xe xăng 5 lần, phí bảo dưỡng rẻ như không
Là người có trên 15 năm kinh nghiệm dạy nghề lái xe, gần 2 năm trở lại đây, công việc của thầy Nghĩa “sang trang” sau khi ông thay thế những chiếc xe xăng truyền thống bằng chiếc xe điện VF e34.
“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về cấu tạo, cách thức vận hành của VF e34 trước khi quyết định lựa chọn nó làm phương tiện dạy học. Về cơ bản, chiếc xe điện này có nhiều thiết bị tương tự như xe xăng khi thi bằng lái, ví dụ như phanh cơ, hộp số theo tiêu chuẩn quốc tế, rất phù hợp để luyện tập”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Điều khiến thầy Nghĩa tâm đắc nhất khi chuyển sang dạy lái bằng xe điện chính là chi phí vận hành tiết kiệm, đồng nghĩa với cùng một mức học phí, học viên sử dụng xe điện sẽ có thêm nhiều “giờ lái” hơn so với luyện tập trên một chiếc xe xăng.
Theo chia sẻ của thầy Nghĩa, thông thường chi phí nhiên liệu của một khóa học lái bằng xe xăng rất tốn kém. Trung bình mỗi tháng, một chiếc xe dạy học lái chạy khoảng 5.000 km, tương đương với 6,5 triệu tiền xăng. Đó là chưa kể chi phí hao mòn lốp, thay lọc, sửa chữa thay dầu và các hỏng hóc khác. Trong khi đó, chi phí sạc điện cho chiếc VF e34 chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
“Một chuyến đi dạy dã ngoại đường trường từ sân bay Nội Bài lên đến Lạng Sơn tổng quãng đường 2 chiều đi và về là 320km, đổ xăng thì hết 500.000 đồng nhưng dùng xe điện chỉ hết khoảng 100.000 đồng tiền sạc, bằng 1/5 so với chi phí đổ xăng”, thầy Nghĩa dẫn chứng.
Đối với việc lái xe, lý thuyết chỉ là một phần, thực hành tay lái ở trên đường mới là quan trọng để vận hành an toàn. Do đó, theo thầy Nghĩa, những giáo viên tận tâm với nghề sẽ luôn tìm mọi cách để tối ưu chi phí cho học viên, giúp học viên đi được nhiều cây số hơn, học được nhiều giờ trên xe hơn. Theo ước tính, với cùng một mức học phí, thời gian tập luyện với xe điện sẽ nhiều gấp đôi xe xăng.
Sử dụng xe điện để dạy lái xe còn giúp thầy Nghĩa tiết kiệm đáng kể chi phí bảo dưỡng. Trong gần 2 năm qua, chiếc VF e34 của thầy Nghĩa đã đi được hơn 6,5 vạn cây số nhưng rất hiếm khi phải vào xưởng dịch vụ. Thầy dạy lái kỳ cựu cho biết chi phí bảo dưỡng cả năm bao gồm thay dầu phanh, lưới lọc và bảo dưỡng má phanh cũng chỉ mất hơn 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, xe xăng cứ 3 tháng phải thay dầu 1 lần và thường xuyên phải “nằm” xưởng.
“Từ khi sử dụng xe điện tôi nhàn lắm, có chăng cũng chỉ cần vá, bơm lốp thôi chứ chẳng cần vào xưởng bao giờ”, chủ nhân chiếc VF e34 hào hứng chia sẻ.
Bên cạnh đó, cái hay khi sử dụng xe điện VinFast, theo thầy Nghĩa, là chính sách bảo hành 10 năm cùng chính sách thuê pin rất phù hợp với những người chuyên dạy lái xe. Đồng tình với chia sẻ của thầy Nghĩa, hai chuyên gia ô tô Mạnh Thắng và Tùng Anh cho biết, nếu cần lựa chọn giữa một chiếc xe xăng và xe điện có mức giá tương đương thì xe điện vẫn là lựa chọn tối ưu bởi mức giá sẽ được bù lại bằng chi phí vận hành cực rẻ, thời gian thu hồi vốn nhanh chóng.
“Với chi phí sử dụng cực rẻ, tôi nghĩ chỉ trong vòng 2 năm khai thác thôi là sẽ có thể thu hồi vốn”, thầy Nghĩa nhận định.
Trang bị vượt trội, an toàn ngay cả với các “tấm chiếu mới”
Không chỉ tối ưu chi phí, gia tăng thời lượng thực hành cho học viên, học lái xe bằng xe điện còn được thầy Nghĩa đánh giá là phương án thực hành an toàn đối với cả những “tấm chiếu mới”. Theo phân tích của thầy Nghĩa, xe điện VinFast sở hữu rất nhiều trang bị an toàn giúp hạn chế các tình huống nguy hiểm khó xử lý đối với người mới lái.
Các lỗi thường gặp khi tập lái bằng xe xăng như cháy côn, quên hạ phanh tay trước khi vào số đạp ga… sẽ không bao giờ xảy ra trên xe điện bởi nếu không mở hết phanh tay hay không đạp chân phanh thì xe không thể di chuyển, tránh nguy cơ va chạm khi người lái chưa sẵn sàng.
“Cái hay của xe điện là cần khởi động đúng quy trình, hướng dẫn sử dụng nên có thể nói học lái với xe điện là an toàn tuyệt đối”, thầy Nghĩa nhận xét.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hành trên đường, giáo viên cũng nhàn hơn nhờ hệ thống cảnh báo an toàn tích hợp sẵn trên xe điện, ví dụ như các tính năng cảnh báo chệch làn, cảnh báo điểm mù, hay hệ thống camera 360 giúp gia tăng khả năng quan sát, xử lý tình huống.
“Từ khi sử dụng xe VF e34 để dạy lái thì tôi thấy hiệu quả rất tốt. Đây là một chiếc xe đa dụng, có thể dùng làm xe gia đình, kinh doanh taxi và đặc biệt là dạy lái xe”, thầy Nghĩa khẳng định.
Điều thú vị là từ khi dạy lái bằng xe VF e34, người thầy 70 tuổi có tư duy cấp tiến này đã có tới gần 100 học viên và rất nhiều trong số đó đã thay đổi suy nghĩ về loại phương tiện thân thiện môi trường này. Trong đó, nhiều người đã từ bỏ kế hoạch mua xe xăng để chuyển sang mua xe điện sau khi hoàn thành khóa học, bao gồm các mẫu VF e34, VF 5 Plus và VF 8.