Nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật gặp thực trạng phê bình trên mạng rầm rộ, lấn át dòng phê bình chuyên nghiệp.
Thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn. Thực tế này một phần là do lý luận phê bình chưa phát huy được vai trò cầu nối giữa sáng tạo và tiếp nhận, là người bạn đồng hành với hoạt động sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ và quá trình thụ hưởng của công chúng. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đã xuất hiện nhiều hiện tượng phê bình nghiệp dư, thậm chí là yếu kém, sai lệch nhưng lại tác động rất lớn đến nhận thức thẩm mỹ của công chúng.
Với lĩnh vực điện ảnh, có những bộ phim doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng sau làn sóng chỉ trích từ các cây viết trên mạng xã hội. Ngược lại, cũng có nhiều phim Việt bội thu một phần nhờ hiệu ứng phê bình mạng. Những bài viết được khẳng định là quan điểm cá nhân, có gì nói đó thực chất hoàn toàn có thể bị thao túng bởi các nhà phát hành.
Không riêng ở phim ảnh, nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác cũng gặp hiện tượng phê bình trên mạng rầm rộ, lấn át dòng phê bình chuyên nghiệp. Soi vào thực trạng công tác phê bình vừa qua, nhiều lý do tạo ra hiện tượng này. Đặc biệt, đội ngũ phê bình ngày càng mỏng cũng kéo theo sự giảm sút các bài phê bình chất lượng. Nhiều chuyên gia lo ngại chính vào lúc phê bình yếu tính chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bề bộn, muôn màu muôn vẻ.
"Đội ngũ phê bình hầu như đã rất già, chỉ còn những vị đầu tóc đã bạc hết. Đội ngũ phê bình trẻ có vài gương mặt nhưng ít, chưa nổi bật về năng lực phê bình của mình", nhà văn Bùi Anh Tuấn cho biết.
Âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh… địa hạt nào cũng thiếu vắng những tiếng nói phê bình có tâm, có tầm. Trước thực trạng này, mới đây Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới phát triển – Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo". Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã phân tích ưu điểm, thành tựu, chỉ rõ những hạn chế, bất cập của văn hóa văn nghệ nước ta, trong đó có lý luận phê bình văn học nghệ thuật và đề xuất định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa văn nghệ, nhất là công tác lý luận phê bình giàu tính dân tộc, khoa học, tiên tiến, dân chủ, nhân văn.
Nhìn ở góc độ khác, dù còn nhiều bất cập nhưng lý luận văn học vẫn có những đóng góp nhất định, như phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay, hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật. Để phát huy hơn nữa vai trò của lĩnh vực này, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp từ phía các cơ quan chức năng.
Trong nhiều ý kiến đề xuất giải pháp vực dậy công tác lý luận phê bình, các chuyên gia đều nhất trí rằng cần đầu tư đúng mức vào đào tạo nhân lực, bởi chỉ khi có được nguồn nhân lực chất lượng, công tác lý luận phê bình mới có thể phát triển vượt bậc. Theo đó, cần khẩn trương bổ sung một số cơ chế mang tính đặc thù đột phá để hỗ trợ các nhà lý luận phê bình, từ đó giúp họ giữ vai trò đồng hành cùng với đội ngũ sáng tác, với thế mạnh riêng của nghệ thuật để vừa đấu tranh chống cái xấu, cái ác, cái lạc hậu vừa góp phần nuôi dưỡng tâm hồn con người bằng chân, thiện, mỹ.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...