GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush nhận giải đặc biệt dành cho Nhà Khoa học đến từ các nước đang phát triển.
GS Võ Tòng Xuân cùng với nhà khoa học người Mỹ gốc Ấn, GS Gurdev Singh Khush, đã giành giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh". Hai nhà khoa học được vinh danh cho đóng góp quan trọng trong việc phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Phát biểu trên sân khấu lễ trao giải, Giáo sư Võ Tòng Xuân, cho biết, ông thay mặt người vợ quá cố, các đồng nghiệp và sinh viên tại trường Cao đẳng Nông nghiệp Cần thơ cùng hàng triệu người nông dân vùng châu thổ sông Cửu Long, bày tỏ vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Với ông đây là sự ủng hộ mạnh mẽ đưa vào sử dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
"Nỗ lực này giúp chúng ta đạt năng suất lúa cao hơn, cải thiện sinh kế cho người trồng lúa gạo ở khu vực này. Vì vậy, chúng ta đã có thể đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới", Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.
GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush trên sân khấu Lễ trao giải VinFuture
Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.
GS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.
GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.
Là một trong những người tiên phong trong việc tạo ra nhiều giống lúa kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, GS.Gurdev Singh Khush cho biết, ông đến Việt Nam từ năm 1969 và có thời gian khá thường xuyên làm việc với các nhà khoa học về lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là Giáo sư Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học khác nữa.
"Chỉ trong vòng 20 năm, tất cả giống lúa mới được trồng rộng rãi ở toàn bộ khu vực châu Á. Ở đây, dòng IR có rất nhiều dòng khác nhau như IR36, IR64, IR72 và rất nhiều IR khác nữa cũng được các quốc gia châu Á trồng rộng rãi để mà nâng sản lượng và giải quyết vấn đề thiếu lương thực", GS. Gurdev Singh Khush chia sẻ.
GS Võ Tòng Xuân và GS. Gurdev Singh Khush đã từng làm việc với nhau từ nhiều năm trước và hai nhà khoa học đã có dịp hội ngộ tại Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture 2023
Trả lời câu hỏi bên lề Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture về ý nghĩa của giải thưởng do người Việt sáng lập, GS Gurdev Singh Khush cho biết, giải thưởng rất quan trọng.
"Đó là sự khích lệ đối với các nhà khoa học, đặc biệt là nếu các nhà khoa học lớn tuổi như Giáo sư Võ Tòng Xuân chẳng hạn. Những nhà khoa học này được giải thưởng sẽ trở thành tấm gương, niềm cảm hứng cho giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học. Và khi có thêm nhiều người trẻ tuổi tham gia vào nghiên cứu, nhân rộng những giống lúa mới, đó là một điều kiện tiên quyết để đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam trong tương lai", GS. Gurdev Singh Khush nói thêm.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...