Kênh đào Vĩnh Tế là công trình thủy lợi quan trọng của khu vực Tây Nam bộ và tỉnh An Giang từ thế kỷ 19 đến nay. Theo sử liệu, kênh Vĩnh Tế được vua Gia Long cho khởi đào năm 1819, hoàn thành năm 1824 với chiều dài 91 km, rộng 30 m, sâu 2,55 m và được thi công hoàn toàn bằng sức người.
Kênh đào Vĩnh Tế là công trình thủ công khu vực biên giới dài nhất Việt Nam, là minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của vương triều nhà Nguyễn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn.
Trong chiến tranh, kênh Vĩnh Tế là lũy thành ngăn bước tiến quân thù là phòng tuyến phản công địch, giành chiến thắng. Hiện, kênh Vĩnh Tế tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong quốc phòng, an ninh, xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Công trình này không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông thủy bộ giữa các tỉnh trong khu vực mà còn được xem là "kênh mẹ" để hình thành các kênh T5, T4, T3, biến Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực ĐBSCL và cả nước.
Trong phát triển du lịch, kênh Vĩnh Tế với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và giao thông thủy, hành trình du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa, trên bộ - dưới thuyền, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch địa phương. Kênh Vĩnh Tế hoàn thành phải kể đến công đầu của danh thần Thoại Ngọc Hầu và sự góp sức thầm lặng của vợ ông là cụ Châu Thị Tế. Ghi nhận công lao của bà Châu Thị Tế, vua Minh Mạng đặt tên dòng kênh này là "Vĩnh Tế Hà".
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đây cũng là sự kiện chính trị trong các sự kiện quan trọng của vùng đất phương Nam, ghi dấu quá trình hình thành tỉnh An Giang ngày 22.11.1832.
"Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những thành quả mà tiền nhân để lại; đoàn kết, phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn và toàn diện hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng quê hương An Giang ngày thêm giàu đẹp, văn minh", ông Lê Hồng Quang bày tỏ.