May sao, những cựu chiến binh như ông Trung (Quốc Thịnh), ông Tâm (Chánh Trực), ông Chính (Trọng Hiếu), ông Lâm (Lâm Thắng), ông Cường (Quốc Cường) vẫn giữ được tấm lòng son với đất nước, cố gắng khuyên dạy cháu con quay về nẻo sáng. Nhờ vậy mọi thứ trở lại an bình. Ngay cả thế hệ thứ 3 như Đạt (Khánh Đăng) cháu nội của ông Trung, hoặc ông Trần (Kỳ Thiên Cảnh) người từng ở chiến tuyến đối đầu với ông Trung, cũng ý thức được trách nhiệm với đất nước mà cùng chung tay xây dựng, bảo vệ. "Đồng chí" ở đây đã mở rộng ra thành khái niệm "đồng chí hướng", và tất cả đều lấy đất nước làm mục tiêu phục vụ.
Vở kịch không đi quá sâu vào những rắc rối của cuộc sống thực tế, bởi thực tế còn có những sai phạm kinh khủng hơn, mà chỉ đưa ra một "sự cố" nhẹ của nhân vật Thành để mượn đó nhắc nhở mọi người về quá khứ đau thương và hào hùng, về tình yêu quê hương. Nghĩa là nhân vật dù xấu vẫn còn đường hối cải, nghĩa là người làm nghệ thuật gieo một niềm hy vọng, niềm tin đến cho khán giả, rằng đất nước sẽ lại tươi sáng hơn.
Những lớp diễn chiến đấu ở chiến hào bom đạn khiến người xem cảm động. Tình đồng chí khiến người ta không bỏ nhau, vẫn xông ra nguy hiểm cứu nhau, rồi tiếp tục dìu nhau đi đến ngày hòa bình. Các nghệ sĩ diễn hết lòng, nghiêm túc, rất đáng nể. Những bục bệ thoắt biến thành chiến hào hoặc bàn ghế một cách gọn nhẹ, thông minh, và ý đồ của nhà thiết kế cũng rõ là dành cho những chuyến lưu diễn xa sau này.